Thế giới giao thông

Uber bị kiện vì hoạt động trước, xin phép sau

13/04/2015, 05:58

Một tòa án của Đức vừa ra phán quyết cấm UberPOP và đặt ra mức phạt nghiêm khắc dành cho nhiều hành vi

111
Dịch vụ UberPOP đã bị tòa án Đức ra lệnh cấm vì vi phạm quy định luật pháp

Bảo vệ tài xế taxi truyền thống

Uber được sinh ra từ sự thất vọng của hai doanh nhân làm việc ở thung lũng Silicon (Mỹ) khi họ cố gắng bắt taxi trong chuyến công tác ở Paris mà không được. Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2010, Uber nhanh chóng trở thành ứng dụng gọi taxi phổ biến tại 270 quốc gia. Tuy nhiên, Uber cũng đang bị các nhà quản lý chỉ trích kiểu cách kinh doanh “Hoạt động trước - xin phép sau”.

Không những thế, Uber còn phải đối mặt với những lời phàn nàn từ khắp nơi trên thế giới về chế độ trả tiền cho người lái xe, cước phí tính với khách hàng và khả năng đảm bảo an toàn cho người đi xe. Vụ việc mới nhất, hãng Taxi Deutschland kiện UberPOP lên tòa án TP Frankfurt (Đức), nâng tổng số vụ kiện tụng liên quan đến Uber trên toàn châu Âu lên hơn 10 vụ chỉ trong vài tháng gần đây. Và tòa đã tuyên cấm Uber tiếp tục môi giới dịch vụ taxi cho những lái xe không có chứng chỉ. Theo phán quyết này, bất cứ hành động nào vi phạm lệnh của tòa án bao gồm cả những hành động vi phạm điều luật về vận chuyển hành khách do Uber và dịch vụ UberPOP thực hiện sẽ bị phạt 250 nghìn euro.

Dieter Schlenker, Chủ tịch hãng Taxi Deutschland cho rằng, phán quyết của tòa án bảo vệ các tài xế taxi chuyên nghiệp khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ phía những người lái xe không có chứng chỉ, làm việc bán thời gian cho Uber. Nhận xét về phán quyết của tòa, ông Schlenker nói: “Điều này có nghĩa gì với 225 nghìn lái xe taxi và 700 nhân viên của các trung tâm điều khiển? Nó là sự chắc chắn về mặt pháp lý, bảo vệ công ăn việc làm của 225 nghìn con người và những người trả tiền thuế trên đất nước này”.

Không có bảo hiểm cho tài xế và khách

Người phát ngôn của Uber cho biết, công ty này sẽ kháng cáo quyết định của tòa án Frankfurt; tuy nhiên họ sẽ đợi tới lúc có phán quyết đầy đủ: “Chúng tôi sẽ không từ bỏ thị trường Đức. Phán quyết của tòa án không ảnh hưởng đến dịch vụ UberBLACK và UberTAXI”.

Ông Joachim Nickel, Thẩm phán tòa Frankfurt nói trước khi ra phán quyết rằng, Uber đã vi phạm quy định về chuyên chở hành khách với mục đích thương mại khi lái xe Uber cung cấp không đúng loại chứng chỉ cần thiết. Mô hình kinh doanh của Uber đã vi phạm cả luật quốc gia lẫn luật của khối EU vì nó không có bảo hiểm cho cả khách hàng lẫn người lái xe trong trường hợp xảy ra tai nạn. Uber sẽ tiếp tục được hoạt động ở Đức khi họ sử dụng những tài xế có chứng chỉ do cơ quan quản lý địa phương cấp.

Uber tuyên bố sẽ cung cấp một dịch vụ hoàn toàn mới, được thiết lập để đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của tòa án và pháp luật hiện hành. Đến nay, Uber đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh cấm của các tòa án tại: Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha. Những cuộc biểu tình của lái xe taxi chống lại Uber cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn của châu Âu.

Cuối tháng 3/2015, cảnh sát Pháp còn tiến hành khám xét văn phòng Uber tại Paris và tịch thu 1.200 điện thoại di động, một số máy tính và tài liệu. Đây chỉ là một hoạt động trong cuộc điều tra lớn tiến hành từ tháng 11/2014 nhắm vào dịch vụ UberPOP và tìm hiểu liệu Uber có đang thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng một cách bất hợp pháp hay không. Tháng 12/2014, tòa án Hà Lan cũng tuyên bố cấm UberPOP vì lý do tương tự như ở Đức. Kể từ đó, rất nhiều lái xe của dịch vụ UberPOP bị phạt nặng vì dám vi phạm lệnh cấm chở khách khi không có chứng chỉ hành nghề.

Luật sư đại diện của Uber cho rằng, những vấn đề luật pháp trên chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh taxi trong khi Uber chỉ là đơn vị cung cấp thông tin, kết nối lái xe và khách hàng. Đáp trả lập luận này, ông Uwe Eilers - một trong các thẩm phán tuyên án nói: “Trong trường hợp nêu ra đó, các anh (Uber) phải thêm vào phần mô tả doanh nghiệp rằng, Uber chuyên cung cấp những chuyến đi miễn phí”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.