Vận tải

Uber, Grab “châm ngòi” cuộc đua công nghệ trong vận tải

01/09/2017, 06:25

Sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe mới như Uber, Grab không những tạo ra “cuộc chiến” giữa taxi công nghệ...

20

Vinasun muốn khởi kiện Uber, Grab vì sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh - Ảnh: Lê Quân

Sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe mới như Uber, Grab không những tạo ra “cuộc chiến” giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống mà còn “châm ngòi” cho cuộc đua ứng dụng công nghệ trên thị trường kinh doanh vận tải.

Vận tải truyền thống hụt hơi

Sự đổ bộ của Uber và Grab cách đây khoảng 3 năm thực sự gây bất ngờ cho nhiều người và khơi mào cho cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường vận tải. Thực tế, thời gian qua, taxi truyền thống tỏ rõ dấu hiệu thất thế nếu không đổi mới và thay đổi phương cách hoạt động.

Chia sẻ về điều này, chuyên gia vận tải, PGS., TS .Từ Sỹ Sùa phân tích, việc ứng dụng nền tảng công nghệ đã làm cho Uber và Grab có sức cạnh tranh vượt trội so với taxi truyền thống. Uber và Grab nhanh hơn, rẻ hơn, tiện ích hơn ngay lập tức thu hút một lượng lớn khách hàng chuyển từ taxi truyền thống sang. “Một cuộc chiến giữa loại hình taxi, xe ôm truyền thống với hai ứng dụng này để giành lại thị phần từ tay các tài xế Uber, Grab đã bùng nổ cao trào. Vào cuối tháng 5, dư luận xôn xao khi trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại sự việc nhóm tài xế Grabbike gây náo loạn ở cổng một bệnh viện tại Hà Nội khi tìm đánh một tài xế xe ôm truyền thống vì trước đó người này đã đánh một tài xế Grabbike bởi cho rằng anh này “tranh giành khách” thực sự cho thấy điều đó”, ông Sùa nói.  

"Dù Grab và Uber không công bố kết quả kinh doanh, nhưng chỉ cần tính doanh thu thông qua thu nhập lái xe (khấu trừ 23% nộp cho Grab và Uber), con số lãi không hề nhỏ. Đó là sự thành công của cuộc cách mạng 4.0 và cũng là bài học đắt giá dành cho các hãng taxi truyền thống. Các trào lưu công nghệ thay đổi nhanh chóng đã gây sức ép lên các mô hình kinh doanh truyền thống, đòi hỏi chính sách phải thay đổi kịp thời để quản lý và điều phối, tạo điều kiện cho những đột phá của doanh nghiệp tiếp thu công nghệ mới hiệu quả”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Xung đột lên đến đỉnh điểm khi một doanh nghiệp taxi truyền thống là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khẳng định sẽ nộp đơn khởi kiện các công ty công nghệ như Uber, Grab vì những cạnh tranh không công bằng. Lý do được ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc công ty chỉ ra là do sự xuất hiện của Grab và Uber cùng các quy định bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh vận tải khác đã khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Vinasun cho biết có thể giảm hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2017 từ hoạt động vận chuyển hành khách với lý do chính là sự cạnh tranh khốc liệt từ Grab, Uber.

Chung “cảnh ngộ”, doanh thu xe khách tuyến cố định cũng sụt giảm nghiêm trọng do loại hình xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe Limousine hoạt động khá phổ biến tại các thành phố lớn. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, với các tên gọi Thương gia hay VIP, các xe Limousine được hoán cải từ 16 chỗ thành 10 chỗ với đầy đủ tiện nghi như: tủ lạnh, tivi, wifi 3G, ổ cắm, sạc điện thoại, đưa đón khách tận nhà… đua nhau mọc ra như nấm. Các nhà xe thường có trang website để đặt chỗ và in số điện thoại di động ngay trên thân xe. Người dân có thể lên mạng và dễ dàng tìm thấy rất nhiều nhà xe kiểu Limousine chạy rất nhiều tuyến: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… với giá mỗi ghế ngồi gần gấp 2 lần so với xe khách tại các bến xe cố định.

“Dù tạo thuận lợi cho người dân nhưng sự ra đời của dịch vụ vận tải khách bằng xe Limousine lại đang “xé rào” những quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải. Có thể thấy, chưa khi nào mà xe hợp đồng trá hình bùng phát, hoạt động bát nháo như hiện nay. Tình trạng này khiến doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định bị mất khách, thu hẹp thị phần. Do vắng khách nên doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty sụt giảm chỉ bằng 50% so với cùng kỳ”, ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Hải, nguyên nhân chính của tình trạng này là do hiện nay dịch vụ tại các bến xe thua kém so với loại hình xe hợp đồng “trá hình”. Công nghệ thông tin phát triển, người dân có thể chủ động lựa chọn, liên hệ với nhà xe, đặt vé online, thông tin cho nhau về chất lượng phục vụ thay vì phải mất thời gian và tiền bạc đến bến xe, người dân được đón tận nhà.

Thời đại công nghệ số, DN không đổi mới sẽ khó tồn tại

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đặt vận tải truyền thống vào thế tiến thoái lưỡng nan: Đổi mới hay là chết? Theo nguyên lý thị trường, dịch vụ nào tốt, rẻ, minh bạch, có lợi cho bên mua, dịch vụ đó được đón nhận. Taxi truyền thống và xe khách tuyến cố định vốn nhiều điều tiếng, lại chậm đổi mới phương thức kinh doanh nên đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trước sự xâm lấn của vận tải công nghệ.

Các loại hình vận chuyển theo công nghệ mới, như Uber và Grab theo giới chuyên môn là xe hợp đồng điện tử và loại hình này là một ứng dụng đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0. PGS.TS. Từ Sỹ Sùa cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải là một xu thế tất yếu. Nếu doanh nghiệp không có tư duy đổi mới, phát triển và ứng xử phù hợp sẽ bị đào thải. “Các doanh nghiệp vận tải không thể đứng ngoài cuộc đua chất lượng, đổi mới phương tiện, dịch vụ”, TS. Sùa nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, thực tế lĩnh vực vận tải đã phát sinh nhiều loại hình mới, ngoài xe hợp đồng du lịch, hiện nay còn có thêm Limousine rồi Uber, Grab. Một thời gian dài chất lượng dịch vụ vận tải truyền thống thấp thì taxi công nghệ, xe Limousine như một “làn gió mới” nên được người dân hưởng ứng. Để cạnh tranh được, doanh nghiệp phải đầu tư cải tiến về tổ chức, áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ.

“Nhiều doanh nghiệp đã lập mô hình sàn giao dịch vận tải hàng hóa và hành khách để kết nối nhu cầu di chuyển, vận tải hàng hoá liên tỉnh nhằm tăng hiệu quả kinh doanh”, ông Thanh nói và cho biết, thời đại công nghệ số, nếu doanh nghiệp vận tải truyền thống không thay đổi sẽ khó tồn tại. “Trong tương lai gần, tôi nghĩ chắc chắn các loại hình vận chuyển theo công nghệ mới, như kiểu Uber và Grab sẽ xuất hiện tại Việt Nam và sẽ còn nhiều “cuộc chiến” và cuộc chạy đua khác công nghệ mới trong kinh doanh vận tải”, ông Thanh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, bài học Uber và Grab cho thấy chi phí quản lý doanh nghiệp vận tải trong nước chiếm tỷ lệ cao trong giá thành nên sức cạnh tranh giảm. Nhà nước nghiên cứu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng về thuế phí cũng rất quan trọng. “Chúng ta nên hoan nghênh chứ không nên từ chối các mô hình kinh doanh mới. Rất ít quốc gia đưa ra quyết định cấm mà phải làm sao để người dân được hưởng lợi và doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi và hội nhập với quốc tế”, ông Tuấn nêu vấn đề.

Dù phản ứng gay gắt về dịch vụ mới này nhưng các hãng taxi truyền thống vẫn nhìn nhận ứng dụng gọi xe đang là “vũ khí” tối ưu để nâng cao sức cạnh tranh. Sau một thời gian mất thị phần quá nhanh vào tay Uber và Grab, hiện đã có 9 doanh nghiệp đã xây dựng một ứng dụng công nghệ riêng trên nền tảng di động tương tự Uber và Grab để cạnh tranh giành lại thị phần như: V.Car, Vic Car, Thanh Cong Car. Ông Phạm Minh Sương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh cho rằng, Uber và Grab tiết giảm chi phí quản lý nhờ ứng dụng công nghệ. Các hãng taxi truyền thống cũng cần áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xem xét lại tất cả quy trình quản lý, chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả khai thác và bắt kịp xu thế thời đại. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.