Cận cảnh chiếc xe hợp đồng dưới 9 chỗ (có gắn logo Grab)bị lộ diện vi phạm đi trong khung giờ cấm trên đường Xuân Thủy |
Bắt đầu từ 11/1, Sở GTVT Hà Nội cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ, trong đó có Grab, Uber hoạt động tại 11 tuyến phố vào các khung giờ cao điểm. Tuy nhiên, trong ngày đầu triển khai, ghi nhận của PV Báo Giao thông vẫn còn phổ biến xe Grab, Uber đi vào đường cấm trong giờ cao điểm, CSGT cũng chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt.
Chiêu vào đường cấm của xe taxi công nghệ
Trong vai hành khách, 17h05 ngày 11/1, PV Báo Giao thông đứng tại số 142 phố Giảng Võ, gần ngay biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ để đặt xe Grab đến Đại học Thương mại. Ngay khi đặt xe, xuất hiện lái xe Lê Ninh Thuần điều khiển xe BKS 30A-394.39 đến đón. Trên hành trình tới Đại học Thương mại, lái xe của Grab vẫn vô tư đi vào hướng Cầu Giấy, Xuân Thủy cũng là tuyến đường cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ.
18h cùng ngày, PV tiếp tục gọi xe Uber cho hành trình từ 345 Cầu Giấy về 11A Láng Hạ. Chỉ 5 phút sau, tài xế tên Quốc Cường điều khiển xe Innova 7 chỗ BKS 30E-936.57 đến đón và cho xe di chuyển suốt hành trình từ Xuân Thủy đến Cầu Giấy hướng Kim Mã mà không vấp phải bất kỳ sự can thiệp nào của lực lượng chức năng.
Đặc biệt, khi PV ngỏ lời muốn đi sâu xuống đường Giảng Võ, lái xe này lưỡng lự cho khách biết đang giờ cấm, nhưng rồi lại đồng ý ngay theo yêu cầu của khách và nói: “Lát nữa bỏ cái máy tính bảng chỉ dẫn đường xuống là được”.
11 tuyến phố cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ giờ cao điểm gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng. Các tuyến phố này trước đó cũng đã cấm taxi. Biển báo cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ này được đặt ngay bên cạnh hoặc song song với biển cấm taxi truyền thống. Thời gian cấm từ 6h - 9h và từ 16h30 - 19h30. |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ chốt trực trên đường Xuân Thủy cho biết, trong giờ cao điểm buổi sáng, xe Grab, Uber đi qua rất nhiều nhưng vẫn chưa thể xử phạt, bởi trên tuyến đường này Sở GTVT Hà Nội chưa lắp đặt biển cấm. “Xử phạt loại xe hợp đồng, nhất là Grab, Uber sẽ mất nhiều thời gian hơn so với taxi. Bởi, loại hình này không gắn mào như taxi, chỉ có phù hiệu kinh doanh và logo để nhận diện. Có nhiều người kinh doanh không chịu dán logo”, một chiến sỹ CSGT tại chốt trực nói và cho biết, trong những ngày đầu, CSGT chỉ nhắc nhở và tuyên truyền cho lái xe mà chưa xử phạt ngay.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho biết, việc cắm biển cấm xe hợp đồng là rất cần thiết, thể hiện sự công bằng với taxi truyền thống. “Lực lượng chức năng cần có giải pháp nhận diện hiệu quả hơn xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Trong đó, logo cần to hơn hiện nay để từ xa các lực lượng chức năng có thể nhận biết, bên ngoài cửa xe phải dán hình ảnh nhận diện như Uber, Grab”, ông Hùng nói
Anh Nguyễn Xuân Trường, lái xe Grab nêu thắc mắc, lực lượng chức năng làm thế nào phân biệt lúc nào sử dụng ô tô là phương tiện đi lại, khi nào đang chạy hợp đồng.
”Có lúc tôi kinh doanh vận tải, nhưng có ngày tôi nghỉ để đưa vợ con đi chơi, lúc đó xe của tôi không còn là xe kinh doanh. Việc xử phạt này chắc chắn sẽ gây phiền hà cho cánh lái xe Uber, Grab”, anh Trường nói.
Vào giờ cao điểm chiều (17h05), PV vẫn nhanh chóng đặt được xe Grab taxi từ Giảng Võ về Đại học Thương mại (đường Hồ Tùng Mậu) |
Nhận biết thế nào?
Về những thắc mắc trên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, quan điểm của Hà Nội là phải quản lý chặt chẽ loại hình phương tiện xe hợp đồng dưới 9 chỗ (trong đó có Uber, Grab). Phố nào cấm taxi truyền thống thì taxi công nghệ cũng không được lưu thông. Thời gian cấm tương tự nhau. Đã kinh doanh vận tải thì phải công bằng giữa các loại hình phương tiện. Hà Nội cũng đang nỗ lực phát triển hệ thống phương tiện công cộng để phục vụ người dân tốt hơn.
Ông Viện cho biết, trong 10 ngày đầu, theo thông báo của Sở GTVT, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động đối với các lái xe để họ hiểu được các biển cấm. Sau đó mới xử lý nghiêm.
Liên quan đến việc nhận diện để xử phạt các xe hợp đồng dưới 9 chỗ, ông Viện cho biết, theo quy định về xe hợp đồng dưới 9 chỗ như Grab, Uber phải dán logo, phù hiệu để phân biệt với xe cá nhân. CSGT và TTGT sẽ nhận diện qua logo để xử phạt. Còn nếu xe nào cố tình không dán logo mà đi vào đường cấm, khi bị phát hiện sẽ xử lý luôn cả hai lỗi.
Thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng cung cấp danh sách các phương tiện và tài xế tham gia, đăng trên trang web của Sở. Danh sách này cũng sẽ được cập nhật thường xuyên. Lực lượng chức năng sẽ tra cứu danh sách đăng và xử lý với các xe hợp đồng vi phạm.
“Khi phát hiện, xử lý xe Uber, Grab có thể xử lý 2 lỗi vi phạm: Không dán biểu trưng của xe Uber, Grab theo quy định đối với xe hợp đồng và có dán nhưng đi vào đường cấm, hạn chế”, ông Viện nói và cho biết, thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các hãng xe, các đội quản lý mạng Uber, Grab để cài đặt những khu vực có thể kiểm soát được qua hành trình lái xe.
Cũng theo ông Viện, tới đây Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở Tài chính Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố yêu cầu Uber, Grab phải đăng ký khung giá, thay vì khung giá rất tùy tiện hiện nay, (lúc giảm, lúc miễn phí, trong giờ cao điểm lại lên giá mà không biết lên đến mức độ nào) đưa khách hàng vào trạng thái bị động. Hoặc có thể yêu cầu họ đăng ký mức giá tối thiểu và mức giá tối đa đối với loại hình vận tải này.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cũng cho biết, theo quy định từ ngày 11 - 21/1 Thanh tra GTVT, CSGT phối hợp để tuyên truyền nhắc nhở cho các xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Đồng thời, thông báo quy định và thời gian xử phạt. Bắt đầu từ ngày 22/1 sẽ yêu cầu các đội thanh tra phải xử phạt theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận