Taxi Uber |
Ngày 12/3, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng và các cơ quan liên quan của Bộ GTVT đã làm việc với ông Michael Brown, Giám đốc khu vực châu Á của Uber. Nhiều khuyến nghị đối với hoạt động của Uber tại Việt Nam đã được đưa ra tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Giám đốc khu vực châu Á của Uber một lần nữa khẳng định, Uber chỉ cung cấp phần mềm cho các đối tác chứ không tham gia kinh doanh vận tải. Lãnh đạo Uber cũng giới thiệu thêm nhiều tiện ích mới của phần mềm Uber. Ông Brown cho biết đã được các đối tác cung cấp thông tin là sau các đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, có 79 trường hợp được xác định là vi phạm pháp luật và bị xử lý. Trong số đó, đến nay đã có 30 trường hợp được điều chỉnh để có thể đáp ứng các qui định của pháp luật Việt Nam, 20 trường hợp đang khắc phục, số còn lại không chấp hành nên đã bị đưa ra ngoài hệ thống của Uber.
Đại diện Uber cũng đề nghị Bộ GTVT có những điều chỉnh, bổ sung các qui định về lĩnh vực vận tải để cho phép Uber được hoạt động.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, rất khuyến khích việc áp dụng công nghệ trong việc quản lý vận tải. “Tuyên bố của Uber là chỉ kinh doanh phần mềm nhưng trong thực tế lại không hẳn như vậy. Lựa chọn đối tác của Uber rõ ràng đang có nhiều vấn đề thể hiện qua những kết quả thanh, kiểm tra. Vì vậy đề nghị Uber nghiên cứu kỹ các điều kiện kinh doanh vận tải của Việt Nam và chia sẻ với các đối tác thực hiện theo các điều kiện đó như các phần mềm khác đang được áp dụng tại Việt Nam”, ông Ngọc nói.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá cao những tiện ích mang tính ý tưởng của Uber nhằm giảm ùn tắc giao thông, TNGT và nâng cao khả năng bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, theo ông Hùng, dứt khoát Uber phải đáp ứng các điều kiện pháp luật cho đối tác và thực hiện theo luật pháp của Việt Nam nếu muốn tiếp tục hoạt động.
Ông Hùng cho rằng, Uber cần chấp hành đúng các qui định của Việt Nam về kinh doanh điện tử, hóa đơn điện tử như các doanh nghiệp Việt Nam đang cung ứng dịch vụ. Về nguyên tắc, Uber không cung cấp dịch vụ vận tải nên không thể đứng tên hợp đồng hay áp đặt bất kỳ điều kiện gì cho khách hàng mà chỉ có đối tác của Uber được làm việc đó. Nếu không, Uber sẽ là người đang trực tiếp vi phạm pháp luật.
“Chỉ có người đăng ký kinh doanh vận tải mới có quyền định giá, thu tiền của khách hàng, chịu thuế và chất lượng dịch vụ. Còn Uber bán dịch vụ hỗ trợ vận tải thì Uber thu tiền và chịu thuế trên hóa đơn của phần đó chứ không được định giá, thu tiền và chịu trách nhiệm pháp lý về kinh doanh vận tải. Hiện nay, Uber tự định giá cước, thu tiền của hành khách đi xe là vi phạm pháp luật, bởi đó chính là giá cước vận tải. Như vậy, Uber đã và đang bán dịch vụ vận tải. Uber cho rằng chỉ kinh doanh công nghệ nhưng thực chất là Uber đang điều hành vận tải”, ông Hùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận