Tài xế Uber chỉ cần bật điện thoại online để đợi lệnh điều khiển xe là được thanh toán tiền, tùy thuộc vào giờ thấp hay cao điểm. |
Với việc ngày càng nhiều người có ô tô tham gia mạng lưới taxi Uber, số đầu xe Uber tăng lên đáng kể, áp đảo taxi truyền thống, khiến lượng phương tiện tham gia giao thông tăng chóng mặt.
Với lợi thế giá rẻ, tiện lợi, lại không lộ mác taxi nên xe Uber đang ngày càng áp đảo thị phần của các hãng taxi truyền thống. Và cũng do lợi nhuận đạt được khá lớn (bình quân 20 - 30 triệu đồng/tháng) nên ngày càng có nhiều người đăng ký kinh doanh vận tải trong hệ thống của Uber, khiến bài toán chống ùn tắc giao thông càng trở nên đau đầu đối với các nhà quản lý.
Tài xế thu nhập “khủng”, ngồi không vẫn có tiền
Trong vai hành khách, sáng 10/1, liên lạc qua phần mềm Uber, PV Báo Giao thông được chiếc xe Kia Morning BKS 30A-935... đến đón theo lộ trình từ đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy về đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Tài xế tên Tuấn cho biết: “Đây là xe nhà, bình quân một tháng trừ xăng dầu, sửa chữa tôi kiếm được khoảng 15 triệu đồng”.
Theo tài xế Tuấn, hiện Uber đang trả doanh thu cho các lái xe theo giờ, mỗi giờ thấp điểm là 48 nghìn đồng đã trừ phí, cao điểm là 72 nghìn đồng/giờ. Có nghĩa là tài xế chỉ cần bật điện thoại online, Uber đảm bảo doanh thu với số tiền như vậy. Chẳng hạn như một tài xế online đợi lệnh điều xe của Uber thì khi không có khách vẫn được thanh toán theo mức tiền tùy giờ thấp điểm hay cao điểm. Còn nếu có khách, chạy một “cuốc” được 100 nghìn đồng, Uber sẽ trừ chi phí 48 nghìn, sau đó thu 20% của số tiền 52 nghìn còn lại.
Tóm lại, trong số 100 nghìn đồng, Uber chỉ thu phí 20% của số tiền 52 nghìn đồng. “Chạy cho Uber nhàn hơn taxi truyền thống vì không phải tranh giành khách. Thời gian làm việc cũng chủ động, mỗi một ngày tài xế chỉ cần bật điện thoại online 15 tiếng là được khoảng 900 nghìn đồng, khi chạy đủ chuyến thì nghỉ. Hiện Uber chỉ cho chạy nội thành, cước phí là 5.500 đồng/km, còn lại Uber hỗ trợ”, tài xế Tuấn nói và cho hay, chưa cần nói có khách hay không, nếu chịu khó bật điện thoại online thì mỗi tuần cũng kiếm được 5 triệu đồng, trừ xăng 1 triệu đồng, chủ xe còn lại được 4 triệu đồng/tuần.
Tương tự, chiều cùng ngày, liên lạc qua phần mềm Uber, PV tiếp tục được xe ô tô Kia Morning BKS 29A-000... đến đón tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Tài xế tên Minh kể: “Tôi chỉ đi lái thuê, họ thuê tôi chạy và trả 8 triệu đồng/tháng, cộng thêm chi phí điện thoại để tôi liên hệ với khách là 500 nghìn đồng/tháng”.
Theo tài xế Minh, thông thường theo quy định của Uber thì giờ cao điểm là từ 6h - 9h sáng hàng ngày và từ 14h - 20h hàng ngày, còn lại là giờ thấp điểm. Tuy nhiên, đối với những ngày thứ bảy, chủ nhật thì giờ cao điểm lại là từ 9h - 12h và chiều từ 14h- 23h hàng ngày. Những ngày này, Uber hỗ trợ cho tài xế UberX là 90 nghìn đồng/giờ, còn lại là giờ thấp điểm và những ngày khác Uber hỗ trợ 60 nghìn đồng/giờ.
Do là dòng xe đời cao hơn nên tài xế Tuấn được tính cước phí là 6.500 đồng/km. “Làm theo dịch vụ Uber hay hơn làm taxi nhiều, vì ngay cả đường cấm taxi thì xe của Uber vẫn lưu thông mà không bị xử lý, vì nhìn bề ngoài giống xe gia đình. Hơn nữa, hành khách toàn khách Vip, thân thiện. Tôi cũng là người làm trong cơ quan Nhà nước nhưng vì khó khăn, lương thấp nên nghỉ để đi lái xe Uber”.
Cạnh tranh bất bình đẳng
Trong khi chủ xe Uber chỉ phải đầu tư 2 triệu đồng để lắp thiết bị giám sát hành trình của hãng Uber và mua một điện thoại Smartphone để cập nhật phần mềm của Uber, thì các tài xế taxi truyền thống phải đầu tư rất lớn để có được biển hiệu, logo, tem mào.
Trao đổi với PV một tài xế taxi của hãng Taxi Sông Nhuệ (quận Hà Đông, Hà Nội) thông tin: “Muốn vào hãng taxi này mà mua xe mới thì thường phải đóng 40 - 50 triệu đồng, coi như tiền phí được vào hãng. Sau khi vào hoạt động, mỗi tháng lái xe phải nộp cho hãng này khoảng 1,5 triệu đồng tiền báo bộ đàm.
Bên cạnh đó, mọi chi phí trên đường lái xe phải chịu hết, trường hợp có khách ở đâu thì sẽ được hãng báo qua bộ đàm, xe nào gần thì đến bắt khách. Hợp đồng được kí kết giữa chủ xe với Hãng Taxi Sông Nhuệ là ba năm, trường hợp nếu chậm không đóng tiền báo đàm vài tháng sẽ bị hãng này cắt thông tin bộ đàm hoặc có thể chấm dứt hợp đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian đầu khi xe Uber mới hoạt động thường vi phạm lỗi dừng, đỗ, qua kiểm tra thì lực lượng TTGT phát hiện vi phạm chủ yếu đối với các phương tiện của Uber không đủ điều kiện kinh doanh. Nhưng thực tế hiện nay, khi lực lượng TTGT trên đường kiểm tra phát hiện là rất khó, vì nhìn bên ngoài không biết đâu là xe Uber đâu là xe cá nhân, chưa kể các chủ xe đều có đăng ký giấy đăng kí kinh doanh (hộ cá thể hoặc doanh nghiệp), giấy phép vận tải hành khách (dạng xe chạy hợp đồng)...
Vì thế, muốn quản lý một cách hiệu quả thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định và có chế tài để xử lý. Bởi nếu ngày càng có nhiều người tham gia hệ thống Uber, việc giải bài toán chống ùn tắc sẽ ngày càng phức tạp do sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện.
Ô tô nhập khẩu tăng chóng mặt Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2015, Việt Nam có thể nhập khẩu đến 112 nghìn ô tô các loại, với kim ngạch xấp xỉ 3 tỉ USD. Còn theo số liệu của Hiệp hội sản xuất và lắp ráp ô tô (VAMA), tính đến hết tháng 11/2015, Việt Nam tiêu thụ 215.517 ô tô các loại, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xe do các thành viên VAMA nhập khẩu đạt hơn 61 nghìn chiếc, tăng gần 80%, trong đó ôtô dưới 9 chỗ nhập khẩu từ Ấn Độ chiếm nhiều nhất. Chỉ trong 10 tháng đã có 17.490 xe các loại từ Ấn Độ đưa về Việt Nam tiêu thụ, chiếm tới 45% tổng lượng ôtô loại này nhập khẩu của cả nước và tăng 105% so với 10 tháng năm 2014; Xe Hàn Quốc với 8.290 chiếc, tăng 38,9%; xe Thái Lan 4.760 chiếc, tăng 111%. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, không loại trừ có một số lượng lớn được nhập về để kinh doanh xe Uber. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận