Ngày 4/6, Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết: “Cho tới khi chúng tôi nhận được đầy đủ vũ khí và củng cố vị thế, cho đến khi chúng tôi đẩy các lực lượng Nga lùi về phía biên giới Ukraine càng xa càng tốt, không có lý do gì để tổ chức đàm phán”.
Trước đó, ngày 3/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cần tìm lối thoát khỏi cuộc xung đột tại Ukraine thông qua ngoại giao một cách khéo léo. Ông Macron cũng cho rằng Pháp có thể đóng vai trò hòa giải trong xung đột Nga - Ukraine.
Một vòng đàm phán hòa bình giữa Nga-Ukraine. Ảnh - TASS
Tổng thống Pháp thường xuyên trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, nỗ lực tiến tới ngừng bắn và thực hiện các cuộc đàm phán quan trọng giữa Kiev - Moscow dù đến nay những nỗ lực này chưa có hiệu quả rõ rệt.
Ngay sau bình luận của Tổng thống Pháp, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng có bài viết chia sẻ trên Twitter, phản đối bình luận trên của ông Macron.
Bên cạnh đó, ông David Arakhamia, thành viên đoàn đàm phán Ukraine, nhận định: “Các lực lượng vũ trang của chúng tôi sẵn sàng sử dụng (vũ khí mới được cung cấp)... và theo tôi, Ukraine có thể đề xuất vòng đàm phán mới sau khi vị thế đã được củng cố”.
Hoạt động hoà đàm giữa Nga-Ukraine đang rơi vào bế tắc. Cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp gần đây nhất giữa các phái đoàn Nga-Ukraine là diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 3. Kể từ đó, đàm phán giữa Moscow-Kiev bị đình trệ, với hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau trong việc không đạt tiến triển trong đàm phán.
Mới đây, Mỹ thông báo sẽ viện trợ các hệ thống rocket HIMARS cho Ukraine, giúp Kiev có thể tấn công các lực lượng Nga từ tầm xa hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Ukraine đã đảm bảo sẽ không sử dụng HIMARS để tấn công vào lãnh thổ Nga. Ngày 3/6, Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cũng cho biết Ukraine sẽ không sử dụng các hệ thống rocket do Mỹ viện trợ để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận