Bộ Ngoại giao Ukraine - ảnh tư liệu
Kiev tỏ ra thất vọng vì NATO đã không thể tìm ra một hình thức cho Ukraine được tham gia hội nghị thượng đỉnh của liên minh này trong năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết hôm 26/5.
Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các nước NATO sẽ diễn ra vào ngày 14/6/2021, tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Vương quốc Bỉ.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, hội nghị dự kiến sẽ xem xét quyết định về một chương trình nghị sự thực chất và dài hạn của NATO cho giai đoạn đến năm 2030, nhằm đối mặt với những thách thức của hiện tại và tương lai.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó tuyên bố rằng, gia nhập liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ là giải pháp duy nhất để chấm dứt xung đột ở Donbass.
Theo ông Kuleba, chính quyền Kiev hoàn toàn không thể hiểu bằng cách nào mà một hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức kín lại không có sự góp mặt của Ukraine, trong bối cảnh các hành động gây hấn của Liên bang Nga đang chống lại nước này ở khu vực Biển Đen và chống lại một số thành viên của liên minh, đặc biệt là các hành động nhằm vào cộng hòa Séc trong thời gian qua.
"Làm thế nào mà NATO không thể tìm ra một định dạng cho phép Ukraine được tham gia trong hội nghị thượng đỉnh của liên minh trong năm nay", Kuleba nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) ở Kiev hôm thứ 4, ngày 26/5.
Theo ý kiến của ông Kuleba, thật khó để tìm ra một thời điểm tốt hơn năm 2021 đối với việc đưa ra một kế hoạch hành động của các thành viên NATO cho Ukraine.
“Chúng tôi biết ơn các đối tác NATO vì đã liên tục xác nhận chính sách mở cửa dựa trên quyết định của hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, nhưng đã 13 năm trôi qua kể từ đó và chưa có một bước nào được thực hiện để đưa quyết định này thành hiện thực... Điều rất quan trọng đối với Ukraine là chính sách mở cửa của liên minh không biến thành chính sách vỗ về bằng những lời hứa hẹn”, ông Kuleba nói thêm.
Tháng 12/ 2014, Quốc hội Ukraine đã sửa đổi hai luật để xóa bỏ tình trạng không liên kết của nhà nước. Vào tháng 6/2016, các sửa đổi bổ sung đã được thông qua xác định tư cách thành viên NATO là mục tiêu chính sách đối ngoại của đất nước.
Tháng 2/2019, Quốc hội Ukraine đã thông qua các sửa đổi hiến pháp, đảm bảo đường lối của đất nước đối với EU và NATO.
Ukraine đã trở thành quốc gia thứ 6 nhận được quy chế đối tác nâng cao của NATO. Trước đó, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, để gia nhập liên minh Ukraine sẽ cần phải đạt được một số tiêu chí, việc thực hiện sẽ mất rất nhiều thời gian.
Các chuyên gia cho rằng Ukraine vẫn chưa đủ các tiêu chí để có thể xin gia nhập NATO trong vòng 20 năm tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận