Giao thông tắc nghẽn vì người biểu tình tràn ngập đường |
Ùn tắc nghiêm trọng
Hai tuần đầu, khi biểu tình đòi dân chủ và phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông leo thang căng thẳng, giao thông tại những khu vực trung tâm thành phố vô cùng xáo trộn và tắc nghẽn. Nhiều tuyến đường tại khu vực trung tâm như Admiralty, Wanchai... chỉ cho phép người đi bộ qua lại. Vào giờ cao điểm, khoảng 50% tuyến xe buýt (tương đương 270 tuyến) của Hồng Kông bị ảnh hưởng - theo số liệu của Sở Giao thông Hồng Kông.
Ngày 14/10, ngay từ 5h sáng, tại hai điểm trung tâm biểu tình là Causeway Bay và Queen Bay, mỗi nơi có hơn 100 cảnh sát Hồng Kông được triển khai để tiếp tục nỗ lực phá vỡ rào chắn của người biểu tình. Sau khi cảnh sát đưa rào chắn đi, một số người biểu tình tự giác dọn dẹp rác rưởi còn lại trong quá trình phá dỡ. |
Mặt khác, vào giờ cao điểm, một số tuyến đường bên ngoài trung tâm thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn khiến các phương tiện cá nhân không thể di chuyển. Áp lực giao thông đè nặng lên tàu điện ngầm (MRT) với lượng khách tăng đột biến. Một số ngôi sao giải trí của Hồng Kông như: Châu Nhuận Phát, Jessica Hsuan, Quách Phú Thành (Aaron Kwok)… cũng phải ngậm ngùi bỏ xe sang Lamborghini hay Rolls Royces để đi tàu điện ngầm mới có thể vào trung tâm. Ùn tắc giao thông còn tác động rất lớn tới công ăn việc làm của tài xế taxi, lực lượng làm nghề vận tải… Một lái xe taxi họ Chan cho biết, biểu tình khiến thu nhập mỗi ngày của anh sụt giảm từ 500-600 HKD (đô la Hồng Kông) xuống còn 200-300 HKD.
Ông Ronald Arculli - Cựu Giám đốc Công ty Chứng khoán Exchanges & Clearing Hồng Kông - công ty điều hành thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới nhận định, sự bất tiện mà người dân phải chịu đựng khi đi làm đi học, thậm chí phải cắt giảm giờ làm việc vì biểu tình là “không thể tính toán được”.
Biểu tình phản đối biểu tình
Alex Chow - người đứng đầu Liên đoàn sinh viên Hồng Kông thừa nhận: “Chúng tôi đã gây ra bất tiện cho người dân nhưng không ai trong chúng tôi sẽ từ bỏ chừng nào chưa đạt được kết quả đáng kể”. Ting Ka Ki - một thành viên thường trực của Liên đoàn sinh viên Hồng Kông cho biết, điều mà chúng tôi lo lắng là cộng đồng sẽ xoay sang hướng chống đối chúng tôi nếu còn tiếp tục phong tỏa các con đường chính.
Ngày 5/10 vừa qua, tức giận vì nhiều trường học bị đóng cửa do biểu tình, một người đàn ông tên Yau đã trèo lên cầu vượt ở khu vực Admiralty cầm theo dao và chỉ trích những người biểu tình suốt 5 giờ đồng hồ. Ông Yau dọa tự vẫn nếu không được quay trực tiếp lên CNN, BBC và các thủ lĩnh sinh viên Joshua Wong và Alex Chow không ra mặt. Ông Yau hét xuống đám đông bên dưới, yêu cầu người biểu tình: “Hãy trả lại đường phố để cha mẹ có thể đưa con cái tới trường. Tôi không ủng hộ Chính phủ, tôi đại diện cho những bậc phụ huynh đề nghị các bạn để cho đường phố thông thoáng trở lại. Tôi có ba đứa con đang ở nhà”.
Ông Tse Long, Chủ tịch Hiệp hội Giao thông Guangdong của Hồng Kông nói, ông không quan tâm về các cuộc đàm phán của Chính phủ. Theo ông, đây là vấn đề chính trị, nếu người biểu tình muốn chống đối, họ có thể đi tới Công viên Victoria. Ông Long cho rằng những gì sinh viên đang làm là không hiệu quả và những người làm trong nghề vận tải như ông không thể chờ lâu hơn nữa. Kết quả, ngày 13/10, hàng trăm người bao gồm tài xế taxi và xe tải đeo mặt nạ, mang theo dụng cụ phá dỡ rào chắn của người biểu tình. Đội xe taxi dàn hàng 20 chiếc ngang đường, yêu cầu người biểu tình trả lại đường phố thông thoáng, thậm chí đưa cả xe tải có cần cẩu, dỡ bỏ lều bạt và rào chắn. Trước đó, cảnh sát Hồng Kông dẹp bỏ rào chắn nhưng không ép buộc người biểu tình phải giải tán.
Trang Trần
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận