Anh Mai Thanh Hải, một thương lái cũng là chủ vựa trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết trước đây, mỗi ngày anh thu mua khoảng 5 tấn trái cây các loại. Nhưng bây giờ, anh chỉ thu mua 10% số đó. Do cửa khẩu ùn ứ, không thông quan được, dẫn đến các loại nông sản rớt giá trầm trọng.
Mít chín rục ngoài vườn cũng không có ai đến thu mua.
“Lúc cửa khẩu thông thoáng, mỗi ngày tôi đi bẻ từ 2-3 tấn vú sữa, còn bây giờ, nhà vườn gọi điện cháy máy cũng không dám nghe, vì mua rồi, không biết bán đi đâu. Tôi vừa đóng vài thùng trái cây, chờ xe tải đến chở đưa về TP.HCM tiêu thụ.
Bây giờ chỉ biết trông chờ vào thị trường nội địa, bán được mớ nào hay mớ đó. Tuy nhiên, với sản lượng trái cây lớn như hiện nay, trong nước không thể nào tiêu thụ hết được. Nếu cửa khẩu vẫn ùn ứ, khó khăn sẽ tiếp tục chồng chất và kéo dài”, anh Hải nói.
Còn anh Nguyễn Tuấn Vũ, một thương lái thu mua trái cây ở ĐBSCL cho hay, từ tháng 11, anh đã đặt cọc cho các nhà vườn mua mít với giá hơn 20.000 đồng/kg. Mấy ngày qua, bà con liên tục gọi điện kêu thương lái đến lấy hàng, nhưng anh chỉ biết… tắt máy, chấp nhận bỏ tiền cọc.
“Hiện giá mít chỉ còn 4.000 đồng/kg, nếu mua với giá đã đặt cọc, thương lái tụi tôi lỗ nặng. Ngay cả khi mua rồi, cũng không biết bán đi đâu, vì cửa khẩu đang ách tắc. Biết làm vậy là mất uy tín với nông dân, nhưng tôi cũng hết cách”.
Mít và nhiều loại trái cây khác đang rớt giá thê thảm do ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu.
Đến thời điểm này, tình trạng hàng hoá ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn đang diễn ra. Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, với thực tế thông quan mỗi ngày chỉ vài chục xe, tới Tết Nguyên đán mới giải phóng được một nửa số đang ùn tại các cửa khẩu.
Trao đổi qua điện thoại, anh Thanh, một tài xế chở mít từ Hậu Giang đang mắc kẹt tại cửa khẩu, cho biết: “Hàng chục tấn mít, giờ đã hỏng tới hơn 70%, mới hôm qua, chủ hàng gọi điện kêu tôi quay xe về, vì không thể chờ được nữa. Số mít còn sót lại, sẽ cố gắng bán ra chợ, thu vốn được đồng nào hay đồng đó”.
Nông dân miền Tây đang thấp thỏm chờ đợi nông sản được "giải cứu".
Trong hôm nay (29/12), phóng viên đã liên hệ với nhiều chủ vườn miền Tây, họ đều cho biết đang gặp khó khăn trong khâu xuất hàng hoá. Hàng chục tấn trái cây đủ loại đến thời kỳ thu hoạch không có người mua.
Anh Nguyễn Văn Út, chủ vườn nhãn ở tỉnh Tiền Giang, cho biết, đây là lần đầu tiên anh gặp tình trạng nhãn rớt giá thảm như hiện tại. Dù vậy, cũng không có người thu mua. Khi gọi điện hỏi thương lái, họ nói bây giờ nhập hàng về cũng không biết bán đi đâu.
Nhiều nhà vườn như anh Út, cố nén nhãn thêm vài ngày để mong thị trường ổn định. Thế nhưng, càng nén thì nhãn càng già và tự rụng, phải đổ bỏ cho cá ăn.
Ông Võ Tấn Tài, chủ vựa thu mua trái cây ở tỉnh Tiền Giang thở dài: "Bây giờ nếu 1 công (1.000 m2) sầu riêng mua vào, không bán được sẽ lỗ tới cả trăm triệu đồng. Không còn cách nào khác, các thương lái và vựa đành phải dừng hoặc giảm sản lượng thu mua".
Đến nay, ông Tài đã chấp nhận bỏ hơn 20 triệu đồng tiền cọc cho nhà vườn, vì nếu thu mua theo giá cọc, sẽ lỗ nặng.
“Tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm. Nếu tình trạng này còn kéo dài, bà con nông dân sẽ mất Tết”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận