Quản lý

Ứng dụng bản đồ số giao thông nguy cơ “tắc” vì thiếu vốn

01/06/2018, 10:15

Khi sử dụng bản đồ số ngành GTVT, tài xế có thể biết trên quãng đường mình sắp đi qua dài bao nhiêu...

10

Doanh nghiệp dễ dàng dõi theo lộ trình một chiếc xe để biết vị trí, vận tốc xe cũng như tốc độ quy định của đoạn đường khi có hệ thống bản đồ số thống nhất

Gặp khó về vốn

Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số được khai trương đầu năm 2016 với kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích, không chỉ đối với cơ quan quản lý mà cho cả doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, đến nay đề án này vẫn chưa triển khai do chưa bố trí được nguồn vốn.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hanel cho biết, giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số giúp hình thành trung tâm chỉ huy, quản lý và điều hành giao thông tổng thể, đảm bảo tính tương tác giữa các yếu tố hạ tầng giao thông, phương tiện và con người. Năm 2015, liên danh Hanel - Việt Bản Đồ và Tổng cục Đường bộ VN đã đưa ứng dụng phân hệ đầu tiên hoạt động hiệu quả là hệ thống giám sát hành trình và kiểm soát tốc độ theo cung đường. Đầu năm 2016, Bộ GTVT đã khai trương hệ thống “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số”. Từ đó đến nay, hệ thống hoạt động ổn định, kết nối gần 800 nghìn phương tiện, tiếp nhận hơn 1,9 tỷ gói tin/ngày. Hệ thống giám sát hành trình và kiểm soát tốc độ theo cung đường tạo chuyển biến tích cực trong đảm bảo ATGT và quản lý kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, theo ông Bình, theo Quyết định 3462 của Bộ GTVT, tổng mức kinh phí được phê duyệt để thuê dịch vụ trong 6 năm (2017-2022) là gần 190 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm đầu tư triển khai, liên danh vẫn chưa được ký hợp đồng chính thức về hệ thống này. Tính từ thời điểm bắt đầu thử nghiệm và sử dụng chính thức đến nay, liên danh Hanel - Việt Bản Đồ đã ứng trước kinh phí để xây dựng và vận hành hệ thống, đo đạc biển báo lên tới 50 tỷ đồng.

"Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số là một hệ thống các giải pháp tổng thể, tích hợp quản lý không giới hạn các lớp dữ liệu chuyên ngành, hình thành trung tâm chỉ huy, giúp quản lý, điều hành và điều phối giao thông thông minh, ứng phó khẩn cấp các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, dự báo nhu cầu đi lại, hỗ trợ ra quyết định quản lý."

Bà Phan Thị Thu Hiền
Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

“Trong các năm tiếp theo, để tiếp tục vận hành hệ thống, liên danh dự kiến sẽ phải tiếp tục bỏ ra hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho hạ tầng máy móc trang thiết bị, nhân lực kỹ thuật phục vụ hệ thống. Việc chậm ký hợp đồng gây thiệt hại kinh tế lớn cho liên danh”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, đề án sẽ thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ hàng năm và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ. Trong khi nguồn vốn này có bao gồm cấu phần từ Quỹ Bảo trì đường bộ và hạng mục này đã được ghi trong Thông tư 60/2017 của Bộ Tài chính. “Bộ GTVT cũng đã đưa dự án thuê dịch vụ giao thông thông minh trên nền bản đồ số và danh mục dự án gửi Bộ Tài chính. Tuy nhiên, do còn vướng mắc về cách hiểu về đề án giữa Bộ Tài chính và Bộ TT&TT nên đến nay, dự án thuê dịch vụ vẫn chưa được đưa vào danh mục dự toán kế hoạch 2018”, ông Bình nói.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tổng cục đã ký kết hợp tác với Công ty Hanel trong việc triển khai hệ thống giao thông thông minh trên nền bản đồ số và đề xuất theo mô hình cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo Nghị quyết 36a của Chính phủ với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp đường bộ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

“Tuy nhiên, hiện chưa được bố trí vốn để thực hiện đề án. Trong quá trình giải trình với Bộ Tài chính đề nghị bố trí ngân sách năm 2018 thực hiện đề án, Bộ Tài chính lại đề nghị thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, xây dựng Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gửi Bộ TT&TT thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, bà Hiền cho biết.

Kỳ vọng quản lý bằng công nghệ

Nói rõ về lợi ích của bản đồ số, ông Đỗ Công Thuỷ, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hiểu đơn giản là mô hình số của bản đồ địa hình, bản đồ chuyên đề được thể hiện dưới dạng số với những toạ độ và cao độ khác nhau. Nếu có hệ thống bản đồ số với công nghệ và ứng dụng xử lý dữ liệu không gian, đồng thời cập nhật hệ thống biển báo, cầu đường, bến xe, nhà ga, trạm dừng nghỉ, dữ liệu về hệ thống đường bộ sẽ được thể hiện toàn bộ trên nền bản đồ số. Chẳng hạn thông qua thiết bị giám sát hành trình được xây dựng trên nền bản đồ số, cơ quan quản lý hay doanh nghiệp muốn biết tốc độ của một chuyến xe, chỉ cần vào hệ thống sẽ biết ngay được chiếc xe đó đang ở vị trí nào, đoạn đường đó có biển báo quy định tốc độ bao nhiêu và chiếc xe đó có chấp hành đúng tốc độ quy định hay không.

Kỳ vọng vào hệ thống giao thông thông minh trên bản đồ số, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Vic Taxi cho rằng, đối với các hãng taxi, nếu việc điều hành hệ thống đều được thực hiện thông qua nền bản đồ số thống nhất sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp trong việc điều vận, tối ưu lộ trình và dịch vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều này cũng giúp khách hàng đón taxi với những lợi ích tiện dụng và trực quan và an toàn hơn.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, đối với lái xe tải nếu khi hoàn thành xây dựng bản đồ số ngành GTVT thì khi sử dụng có thể biết trên quãng đường mình sắp đi qua dài bao nhiêu cây số, đoạn đường nào tốt, xấu và trên đó có bao nhiêu cây cầu, những cầu nào là cầu yếu, tải trọng cho phép của cầu, đường trên tuyến đó là bao nhiêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.