Vận tải

Ứng dụng gọi xe “ma” tung hoành kinh doanh vận tải

22/02/2019, 07:59

FastGo ra mắt thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam từ giữa năm 2018, hoạt động trên xe hợp đồng FastCar mà chưa được cấp phép.

img
FastGo hoạt động chui tại Đà Nẵng

Theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, hiện chỉ có 12 ứng dụng gọi xe được phép thí điểm ứng dụng trong kinh doanh vận chuyển hành khách bằng ô tô. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp chưa được Bộ GTVT cho phép ứng dụng trên xe hợp đồng vẫn ngang nhiên triển khai...

Ứng dụng “ma” vô tư hoạt động

Đầu tiên phải kể đến là ứng dụng FastGo (Công ty CP Công nghệ MPOS) ra mắt thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam từ giữa năm 2018, hoạt động trên xe hợp đồng FastCar mà chưa được cấp phép.

PV Báo Giao thông trực tiếp tiến hành cài phần mềm và đặt một cuốc xe FastCar, 5 phút sau được một xe BKS 30E-xx041 đón. Trên xe, PV nhận thấy trên kính có gắn phù hiệu xe hợp đồng của HTX Thương mại và dịch vụ Nam Anh. Với quãng đường trên 5km, PV phải trả 50.000 đồng.

Lái xe Nguyễn Quý Mạnh cho biết, mỗi chuyến xe, FastGo sẽ thu một khoản phí nhất định. Hãng cam kết không tăng cước trong giờ cao điểm nhưng với mức giá dành cho FastCar là gần 9.000 đồng/km thì không phải rẻ.

Tại Đà Nẵng, ứng dụng FastGo cũng “bành trướng”, lôi kéo hàng trăm tài xế sử dụng. Trưa 20/2, trong vai hành khách, PV đặt xe qua ứng dụng FastGo, màn hình ứng dụng hiển thị giá dịch vụ là 37.000 đồng cho hành trình gần 5km. Vài phút sau, chiếc ô tô 4 chỗ đón tại địa chỉ 68 Pasteur (quận Hải Châu), tài xế tên Luận cho biết, anh chạy dịch vụ Grab nhưng đăng ký chạy thêm FastGo để kiếm thêm thu nhập, đến nay đã được khoảng 8 tháng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc FastGo cho rằng, hoạt động FastGo không vi phạm luật.

FastGo chưa xác định là một đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, cũng không phải một đơn vị cung cấp dịch vụ theo kiểu HTX mà chỉ là một phần mềm mang tính chất quảng cáo giống như mạng xã hội, kết nối tài xế với khách hàng.

“FastGo không liên quan đến Đề án thí điểm theo Quyết định 24. FastGo không thu chiết khấu lái xe và không quản lý dòng tiền khách hàng thanh toán cho lái xe. FastGo chờ đến khi Nghị định 86 mới có hiệu lực, đơn vị mới xác định mô hình kinh doanh chính xác để đăng ký”, ông Tuất cho biết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, FastGo thuộc nhóm ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng và chịu sự điều chỉnh Quyết định 24. Bộ GTVT đã nhận được đề xuất của Công ty CP FastGo Việt Nam về ứng dụng gọi xe. Tuy nhiên, ứng dụng này không đạt yêu cầu nên trả lại. Do đó, phần mềm gọi xe FastGo không thuộc đối tượng tham gia thí điểm theo Quyết định 24.

Ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho hay, ngày 28/9/2018, Công ty FastGo Việt Nam gửi văn bản đến Sở và cho rằng, ứng dụng FastGo là phần mềm giúp kết nối khách hàng tới lái xe của các hãng taxi và các lái xe đủ điều kiện của các HTX kinh doanh. “Qua hướng dẫn của Bộ GTVT, Sở trả lời rằng FastGo không đăng ký kinh doanh vận tải theo hợp đồng theo Quyết định 24. Do đó không đồng ý để FastGo triển khai ứng dụng trên địa bàn”, ông Thuận cho biết.

Một ứng dụng gọi xe khác hoạt động chưa được phép thí điểm là Aber (bắt đầu hoạt động tại Hà Nội cuối năm 2018 với mục tiêu đạt 10.000 xe và phủ sóng 63 tỉnh, thành vào cuối năm nay). Ngày 20/2, đặt xe qua ứng dụng này tại Hà Nội, PV được xe BKS 29A-xxx25 đón và phải trả 55.000 đồng cho quãng đường 5 km.

Nhà sáng lập, kiêm giám đốc điều hành Aber, ông Huỳnh Lê Phú Phong chia sẻ, ABer đã có hàng chục ngàn đối tác/lái xe bốn bánh và xe hai bánh ở cả TP HCM và Hà Nội. ABer cũng sẽ phát triển một số thị trường ngách tại Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài 10 đơn vị đã được Bộ GTVT cấp phép từ trước và mới đây thêm 2 đơn vị là Be, Vato, thì các ứng dụng mới ra đời khác như Aber, T.net, Xelo… chưa được thí điểm, chưa được cơ quan Nhà nước cho phép hoạt động, đều được coi là hoạt động ngoài luồng, là những ứng dụng “ma”.

Chỉ phạt được lái xe, DN vận tải

Liên quan đến việc xử phạt những ứng dụng “ma” trên, ông Nguyễn Tuyển cho biết, quy định của pháp luật chưa có chế tài xử phạt DN ứng dụng phần mềm trái phép lên xe hợp đồng. Vì vậy, việc xử phạt rất khó khăn và cần sớm nghiên cứu bổ sung chế tài.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, theo Quyết định 24, các DN phải đăng ký kinh doanh vận tải theo hợp đồng với địa phương, phải có giấy phép kinh doanh vận tải và xe có phù hiệu. DN có đăng ký kinh doanh và phần mềm kết nối phải được phép thí điểm thì hợp đồng đó mới được công nhận. Nếu không, DN, lái xe vi phạm Nghị định 86 chở khách hợp đồng nhưng lại không có hợp đồng và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 10 và Nghị định 46/2016.

Theo ông Ngọc, DN được phép thí điểm khi họ được sự đồng ý của địa phương, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ GTVT cấp phép hoạt động. Nếu DN cung cấp ứng dụng không được phép thí điểm mà vẫn kết nối kinh doanh vận tải, khi đó, lái xe và DN vận tải sẽ bị xử phạt vì hợp đồng không hợp lệ.

“Đối tượng quản lý của Bộ GTVT là lái xe và DN vận tải, khi họ ứng dụng phần mềm chưa được phép sẽ bị xử phạt. Còn đối với đơn vị cung cấp phần mềm sẽ bị điều chỉnh bởi các luật, các đơn vị chức năng quản lý về phần mềm. Tôi cho rằng, khi lái xe ứng dụng phần mềm kết nối chưa được phép thí điểm mà bị lực lượng chức năng xử phạt, dù phần mềm đó có chiết khấu 0% họ cũng không dám tiếp tục kết nối”, ông Ngọc cho biết.

Quyết định 24 của Bộ GTVT thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng tại 5 tỉnh, thành là: Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Sau hai năm thí điểm, ngoài hai ứng dụng của Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) và Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car) còn có 8 đơn vị khác được tham gia đề án thí điểm gồm: Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty CP Sun Taxi (S.Car), Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty CP Hợp tác đầu tư và phát triển (Home Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Linh Trang (LB.Car), Công ty TNHH Phúc Xuyên (Emddi - Quảng Ninh).

Bộ GTVT cho biết, thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa đề nghị xem xét tạm thời chưa chấp thuận thêm đơn vị thí điểm để tránh tăng số lượng phương tiện xe dưới 9 chỗ gây ảnh hưởng đến quy hoạch số lượng phương tiện, có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Mặt khác, Bộ GTVT đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 để trình Chính phủ, trong đó đã đề cập nội dung quản lý đối với hoạt động này. Do vậy, Bộ GTVT khẳng định, nếu các đơn vị có nhu cầu thí điểm cần gửi đề án đến địa phương xin được thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm tại Văn bản 1850 để có ý kiến chính thức bằng văn bản, trên cơ sở ý kiến các địa phương, Bộ GTVT sẽ xem xét quyết định.

img

Hai tiếng hai vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai do nổ lốp

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.