Thời sự

Ủng hộ chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam

18/10/2016, 07:02
image

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam.

3

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (thuộc thành phần cao tốc Bắc - Nam) đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển KT-XH từ khi đưa vào khai thác - Ảnh: K.Linh

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, quan điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc Nam vì đây là con đường rất quan trọng góp phần công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Không đầu tư từ bây giờ sẽ khó khăn về sau

Sáng 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2016; Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…

Trình bày báo cáo thẩm tra về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, đề cập đến dự án xây dựng 1.372km cao tốc Bắc - Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng, miền nên Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020 do Bộ GTVT trình Chính phủ trước đó, tổng mức đầu tư là 229.829 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Hiện, ngành Giao thông đang triển khai một số dự án cao tốc, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 470km. Do vậy, để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.800km, sẽ phải đầu tư thêm 1.372km từ nay đến 2020. Tuyến đường thiết kế tốc độ 100 - 120km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn sẽ đạt tốc độ thiết kế 60 - 80km/h.

Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án đường cao tốc Bắc - Nam là một trong các công trình trọng điểm trong kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn 5 năm. Thực tế, đề xuất của Bộ GTVT chỉ là một phần trong dự án tổng thể đường cao tốc Bắc - Nam để nối toàn tuyến chứ không phải là dự án mới. Một số dự án thành phần của đường cao tốc này đã hoàn thành như đoạn: Long Thành - Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình…

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, với kế hoạch sử dụng 80.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng hơn 1.300km cao tốc Bắc - Nam theo đề xuất của Chính phủ trong kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 2016- 2020 là số tiền lớn. Từ kinh nghiệm việc thực hiện xây dựng QL1 và QL14 đạt hiệu quả rất cao khi đã có chủ trương của Quốc hội, ông Hiển nhấn mạnh, đề án này cần đưa ra trình Quốc hội xem xét, quyết định để tập trung nguồn lực.

Giải trình thêm về dự án này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ nên lĩnh vực giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, Bộ GTVT đã tập trung cơ cấu lại đầu tư công, tập trung ưu tiên nguồn vốn để đầu tư dứt điểm các công trình trọng điểm ở các khu vực tạo động lực cho nền kinh tế.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, giai đoạn từ nay đến năm 2020 và sau 2020, yêu cầu phát triển giao thông là rất lớn, đặc biệt về đường bộ. Hệ thống đường cao tốc theo kế hoạch của Bộ GTVT là xây dựng trên 2.000 km, hiện nay đã có khoảng trên 700km, còn thiếu hơn 1.300km nữa để hoàn thành kế hoạch nên Bộ GTVT quyết tâm xây dựng 1.300-1.500km đường cao tốc nữa. Dù có rất nhiều tuyến đường nhưng sau khi xem xét lại, Bộ thấy cần tập trung vào tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, vì đây là tuyến huyết mạch của quốc gia. “Nếu không đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam từ bây giờ thì sẽ khó khăn cho 5 năm sau, bởi QL1 với tốc độ khai thác như hiện nay sẽ hư hỏng vì lưu lượng giao thông quá cao”, Thứ trưởng Trường phân tích và cho biết thêm, để đạt được tốc độ vận chuyển bình quân, giao thông từ nay đến năm 2020 cần khoảng 950.000 tỷ đồng cho đầu tư, tuy nhiên qua báo cáo, mới chỉ cân đối khoảng 200.000 tỷ đồng.

>>> Xem thêm video:

4

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp kéo giảm ùn tắc và tăng kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên - Ảnh VEC

Cần gói riêng để đầu tư xây dựng đường cao tốc

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đang rất khó khăn. “Vốn nước ngoài thì họ đưa hai yêu cầu là phải bảo lãnh rủi ro tỷ giá và bảo lãnh doanh thu. Vừa rồi chúng ta định chuyển nhượng một tuyến đường cao tốc cho một nhà đầu tư Ấn Độ nhưng khi họ đưa ra yêu cầu bảo lãnh rủi ro tỷ giá thì ta không bảo lãnh được nên họ lại lắc đầu. Cho nên đối với đầu tư trung hạn của Bộ GTVT, đề nghị tối thiểu phải được như nguồn vốn mà Bộ trình. Bộ kiến nghị riêng đường cao tốc phải phát hành gói trái phiếu riêng, như vừa rồi Quốc hội phát hành gói riêng cho QL1”, Thứ trưởng Trường nêu ý kiến.

Cũng theo Thứ trưởng Trường, với nguồn ngân sách khó khăn như hiện nay, nếu lấy khoảng 70.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn ra để làm đường cao tốc, khiến các công trình khác phải hoãn lại thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu đối với đường cao tốc thì có gói riêng để có thể đầu tư trước một số đoạn, từ nay đến năm 2022 hoàn thành gần 1.400km đường cao tốc Bắc - Nam.

Về nguồn vốn ODA, Thứ trưởng Trường cho biết, có rất nhiều nhà tài trợ nhưng chúng ta lại thiếu vốn đối ứng nên phải dừng lại, khi nào cấp vốn đối ứng thì dự án mới được tiếp tục. “Vừa rồi đề nghị cấp 4.000 tỷ đồng vốn đối ứng, sau đó Chính phủ rút xuống 3.000 tỷ đồng, nhưng cho đến giờ phút này vẫn chưa được cấp đồng nào cả nên nguồn vốn đối ứng là rất khó khăn”, Thứ trưởng Trường nói và thông tin thêm, ngoài dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cũng đang tập trung hoàn thiện để trình Chính phủ chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao cũng như các giải pháp đẩy nhanh đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Kết luận lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, quan điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc Nam vì đây là con đường rất quan trọng để góp phần công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhưng vì dự án cần nguồn vốn lớn từ cả ngân sách và các nguồn vốn huy động, tác động giải phóng mặt bằng cũng lớn nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội coi đây là công trình trọng điểm quốc gia. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Về dự án đường sắt tốc độ cao, vì đang nghiên cứu tiền khả thi nên Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo Quốc hội về mặt chủ trương, làm chặt chẽ như sân bay Long Thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.