Quản lý

Ủng hộ nhà thầu xin tăng bảo hành đường cao tốc lên 10 năm

26/10/2022, 12:43

Việc Tập đoàn Sơn Hải có văn bản cam kết bảo hành 10 năm chất lượng đường cao tốc khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.

Nhà thầu bất ngờ xin bảo hành 10 năm

Ngày 25/10, nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải khiến dư luận “dậy sóng” khi Chủ tịch HĐTV của tập đoàn này gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ GTVT xin cam kết bảo hành chất lượng đường cao tốc lên tới 10 năm đối với các đoạn tuyến đơn vị này thi công và các gói thầu tiếp theo của giai đoạn 2 trên tuyến cao tốc Bắc Nam nếu tập đoàn Sơn Hải được đảm nhận.

img

Qua thời gian, Tập đoàn Sơn Hải đã chứng minh được những cam kết của mình khi các đoạn tuyến do đơn vị này thi công, cam kết bảo hành đều vẫn đạt chất lượng tốt.

Trong văn bản, tập đoàn này cam kết rõ các nội dung bảo hành gồm: Mặt đường không hằn lún, không bong bật, mặt đường bằng phẳng, êm thuận kể cả các đoạn tiếp giáp vào cầu (khi lưu thông không gập ghềnh), trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết bảo hành 10 năm.

"Đương nhiên khi nhà thầu cam kết bảo hành 10 năm thì phải ký hợp đồng pháp lý để chịu sự ràng buộc với chủ đầu tư. Việc này sẽ được thể hiện chi tiết trong hợp đồng, theo đúng quy định pháp luật"

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải

Đặc biệt hơn, phía Tập đoàn Sơn Hải còn cam kết: Nhà nước không chi bất cứ một khoản tiền gì trong duy tu, sửa chữa trong thời gian 10 năm đơn vị bảo hành. Để tiện cho người tham gia giao thông cùng giám sát việc bảo hành, doanh nghiệp này đề nghị công khai cắm biển bảo hành 10 năm trên tuyến.

Việc đột ngột xin nâng thời gian bảo hành đã làm dấy lên sự hoài nghi. Một nhà thầu cao tốc cho rằng: "Đây là chiêu bài của Sơn Hải để tăng thêm khả năng được chỉ định thầu khi Bộ GTVT triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2. Nếu Sơn Hải tự tin bảo hành 10 năm thì tại sao không cam kết từ đầu mà bây giờ, khi làm gần xong giai đoạn 1 mới xin cam kết?".

Một số nhà thầu khác lại cho rằng, đề xuất của Sơn Hải chủ yếu để đánh bóng thương hiệu vì hợp đồng giai đoạn 1 đã ký xong từ lâu. Về mặt pháp lý, rất khó thực hiện nâng thời gian bảo hành và việc nâng thời gian bảo hành gây ra rất nhiều hệ lụy, nhất là các nhà thầu thi công tuyến ở khu vực miền Tây Nam bộ.

img

Đoạn QL1A qua tỉnh Quảng Bình do Tập đoàn Sơn Hải thi công không xảy ra hằn lún.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về lý do xin nâng thời gian bảo hành cao tốc lên tới 10 năm, ông Nguyễn Viết Hải – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải khẳng định: "Việc gửi văn bản xin cam kết bảo hành 10 năm đường cao tốc không phải để làm truyền thông, hay lấy thương hiệu. Khi cam kết, đó là trách nhiệm, gắn liền với quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp, nếu làm không được thì 10 năm sau số tiền bỏ ra để duy tu sửa chữa là rất lớn, sẽ chết ngay".

Cách đây 7 - 8 năm, về kinh nghiệm, công nghệ thiết bị, Tập đoàn Sơn Hải không được như bây giờ. Hiện nay, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công công trình giao thông, làm chủ nhiều công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại hơn. Trong lúc đó, đường cao tốc là đường có yêu cầu rất cao về chất lượng, tập đoàn sẽ làm được việc đó".

img

Một dây chuyền thảm bê tông nhựa của tập đoàn Sơn Hải

"Nước mình còn nghèo, tiền bỏ ra làm hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng có một số công trình vừa làm xong đã hỏng. Như vậy rất lãng phí nguồn lực nhà nước và xã hội. Cũng như 5 năm trước, tôi biết, khi chúng tôi cam kết kéo dài thời gian bản hành sẽ tạo ra dư luận, có người đồng tình ủng hộ, cũng có người không ưa... nhưng tôi tin tưởng chúng tôi sẽ làm được", ông Hải một lần nữa bày tỏ.

Trước đó, vào năm 2014, Tập đoàn Sơn Hải cũng khiến dư luận xôn xao khi cam kết bảo hành chất lượng đường khi thi công QL1, QL14 tới 5 năm trong khi hợp đồng chỉ yêu cầu 2 năm.

Từ cam kết của Tập đoàn Sơn Hải, Bộ GTVT đã nâng thời hạn bảo hành đối với các gói thầu nâng cấp mở rộng QL1 lên thành 4 năm. Đến nay, các đoạn tuyến do Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành vẫn đảm bảo chất lượng, phương tiện lưu thông êm thuận, an toàn.

Phải ràng buộc trách nhiệm, không để doanh nghiệp lợi dụng

Ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA6, cho biết, nhà thầu Sơn Hải đang tham gia thi công gói thầu XL01, thuộc dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu do Ban làm đại diện chủ đầu tư. Hiện, Ban vẫn chưa nhận được văn bản của nhà thầu. Tuy nhiên nếu nhà thầu cam kết chất lượng và xin nâng thời gian bảo hành lên 10 năm thì đơn vị hoàn toàn ủng hộ.

Theo ông Hải, để nâng bảo hành lên 10 năm như nhà thầu đề xuất, trước hết cần phải làm rõ vấn đề tiền bảo hành 5%. Số tiền này khi hết thời gian bảo hành theo hợp đồng là 2 năm thì xử lý thế nào? Trả lại cho nhà thầu hay cơ quan nhà nước giữ lại, hoặc ký bảo lãnh qua ngân hàng? Trong thời gian nâng bảo hành thì ràng buộc doanh nghiệp bằng điều kiện gì?

"Ngoài ra, về mặt quản lý đường bộ, đường sau khi bàn giao, nhà thầu có tiếp tục đóng vai trò quản lý vận hành trong 10 năm ấy không? Phân chia nhiệm vụ vận hành khai thác, quản lý đường cao tốc giữa đơn vị nhà nước và nhà thầu thi công như thế nào? Đó cũng là vấn đề cần phải làm rõ.

Kinh nghiệm trước đây khi nâng thời hạn bảo hành ở dự án nâng cấp mở rộng QL1 từ 2 năm lên 4 năm với các nhà thầu, lúc đó, giữa chủ đầu tư và nhà thầu cùng đồng ý ký điều chỉnh hợp đồng, với đầy đủ các điều khoản. Như vậy, mấu chốt để thực hiện là phải ký lại hợp đồng và làm rõ vai trò quản lý nhà nước khi hết thời hạn bảo hành theo quy định”, Giám đốc Ban QLDA 6 nhấn mạnh.

"Không có tác dụng gì trong lựa chọn nhà thầu cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2"

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT khẳng định, việc nhà thầu Sơn Hải hay bất cứ nhà thầu nào đề xuất nâng thời gian bảo hành công trình lên đều không có tác dụng gì trong việc lựa chọn nhà thầu ở giai đoạn 2 Dự án cao tốc Bắc Nam.

Nhà thầu cũng không lợi dụng gì được vì khi họ ký cam kết bảo hành thì họ phải chịu trách nhiệm với cái họ đã ký.

Theo quy định, công trình cao tốc thời hạn bảo hành tối thiểu là 24 tháng, nhưng nhà thầu có thể tự nguyện đăng ký gia hạn thời gian bảo hành. Khi gia hạn phải được cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư xem xét, đưa vào các điều khoản hợp đồng, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Khi bảo hành, nhà thầu phải có trách nhiệm trong thời gian bảo hành và có sự đảm bảo bằng tiền giữ lại (3-5% theo hợp đồng) hoặc bảo lãnh qua ngân hàng. Trường hợp công trình xảy ra hư hỏng, nhà thầu phải sửa chữa khắc phục thì khi hết thời gian bảo hành mới lấy được tiền về; hoặc nhà thầu cố tình không sửa chữa thì chủ đầu tư dùng tiền bảo lãnh thuê đơn vị khác sửa chữa.

Hiện tại Tập đoàn Sơn Hải đang thực hiện một số gói thầu trong dự án cao tốc Bắc Nam gồm: Gói thầu số 10 - Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45; gói số 1 Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu; là nhà đầu tư và thực hiện thi công dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Các gói thầu do đơn vị này thi công đến nay đều đang đạt và vượt tiến độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.