Tàu thuyền vào neo đậu an toàn tại Nhà Mát (Bạc Liêu) |
Theo nội dung công điện, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang di chuyển về phía Nam vùng biển Cà Mau; tối và đêm 1/11, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Cà Mau và Kiên Giang với sức gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, kèm theo lốc xoáy, vòi rồng, mưa lớn, sóng biển và nước dâng cao.
Đồng thời, cùng thời gian này cũng có một áp thấp nhiệt đới khác đang di chuyển vào biển Đông, có khả năng mạnh lên thành bão, dự báo sẽ đổ bộ vào nước ta, kết hợp với không khí lạnh gây mưa, lũ lớn, nguy cơ ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên trong những ngày tới.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại, không để ảnh hưởng đến các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang, các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với áp thấp nhiệt đới, nhất là chủ động bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, phương tiện, tàu, thuyền và các hoạt động trên biển, trên sông, kênh rạch, đặc biệt lưu ý tránh tư tưởng chủ quan trong lãnh đạo, cũng như người dân.
Yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành có liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế thiệt hại…
* Trước tình hình phức tạp của thời tiết, đặc biệt là để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, chiều 1/11, Đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Quang, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu. Tính đến chiều 1/11, Bạc Liêu còn hơn 300 tàu đang hoạt động trên biển (trong đó, còn 1 tàu với hơn 10 thuyền viên chưa liên lạc được). Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN chỉ đạo khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn; không cho tàu ra biển sau 18h, kể từ ngày 1/11.
Chiều tối 1/11, trao đổi nhanh với PV Báo Giao thông, ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết, hiện Sở cũng đã phân công chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khẩn cấp. Cụ thể, lực lượng TTGT tăng cường ở các địa bàn phải đảm bảo đầy đủ quân số để trực, đặc biệt là các địa bàn ven biển, vận tải và Ban điều hành bến xe tàu chủ động phương tiện khi có lệnh là thực hiện ứng cứu di dân ngay, Trung tâm quản lý thủy bộ trang bị sẵn thiết bị để khi có xảy ra ách tắc giao thông phải đáp ứng kịp yêu cầu.
Cũng trong hôm qua, tỉnh Kiên Giang đã có cuộc họp khẩn cấp và đã kêu gọi được hơn 3.500 phương tiện với khoảng 18 nghìn lao động đang hoạt động từ 10 vĩ độ trở lên trong vùng ảnh hưởng vào nơi trú ẩn an toàn. Đại tá Bùi Minh Trí, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay còn trên biển gần 10 nghìn tàu. Những tàu này đã được thông báo, định hướng, cảnh báo vùng biển, vùng nguy hiểm.
*Tin từ hãng hàng không VASCO, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới phía Đông Nam của Việt Nam, để đảm bảo an toàn, VASCO sẽ không khai thác 2 chuyến bay giữa Côn Đảo và Cần Thơ (VN8071/8070); 2 chuyến bay giữa Cần Thơ và Phú Quốc (VN8014/8015), 10 chuyến bay giữa TP HCM và Côn Đảo (VN8077/8076, 8079/8078, 8055/8054, 8059/8058, 8073/8072) ngày 1/11. Khách đã mua vé máy bay sẽ được chuyển sang các chuyến bay tăng chuyến ngày tiếp theo 2/11/2017.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận