Hỏi:
Con tôi năm nay 12 tuổi, mới phát hiện u giáp, liệu có chuyển sang ung thư tuyến giáp không thưa bác sĩ? Cần phải là gì để phòng ung thư tuyến giáp?
Trần Hoa (Bắc Ninh)
Ảnh minh họa
ThS. BS. Nguyễn Văn Tâm, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Khi trẻ xuất hiện u giáp thì tỷ lệ gặp ung thư cao hơn so với người lớn.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp trẻ em như: Tiền sử tiếp xúc tia xạ, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi là nhạy cảm nhất; tiền sử mắc bệnh tuyến giáp, thiếu iod; Hoặc yếu tố di truyền (gặp trong các hội chứng đa u tuyến nội tiết, hội chứng Cowden, Carney complex…).
Trẻ em thường ít được chú ý thăm khám tuyến giáp, vì vậy bệnh thường phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe. Biểu hiện lâm sàng của ung thư tuyến giáp trẻ em thường là khàn tiếng; khối sưng phồng vùng tuyến giáp; hạch cổ.
Việc chẩn đoán ung thư tuyến giáp trẻ em được thực hiện tương tự như với người lớn.
Điều trị ung thư tuyến giáp trẻ em thường áp dụng là cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ do khối u lớn, xâm lấn tổ chức xung quanh và di căn hạch cổ. Sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân được điều trị iod phóng xạ 131.
Mặc dù ung thư tuyến giáp trẻ em khi phát hiện thường có di căn hạch vùng cổ, tuy nhiên điều trị phẫu thuật tuyến giáp kết hợp với iod phóng xạ 131 cho tiên lượng tốt, tỷ lệ khỏi bệnh cao.
Để phát hiện sớm ung thư tuyến giáp trẻ cần khám sức khỏe định kỳ 1 năm/lần, được kiểm tra vùng cổ và nội soi thanh quản đánh giá di động dây thanh. Cần cho trẻ khám ngay khi xuất hiện khối sưng phồng vùng cổ, nuốt nghẹn, nuốt vướng hay khàn tiếng.
Đặc biệt khi có yếu tố nguy cơ, trẻ cần được khám tuyến giáp định kỳ 6 tháng/lần. Nếu phát hiện có u tuyến giáp, tùy theo mức độ nghi ngờ trên siêu âm mà bác sĩ khuyến cáo chọc hút kim nhỏ xét nghiệm giải phẫu bệnh ngay hoặc theo dõi và khám lại sau 3 - 6 tháng hoặc 6 - 12 tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận