Hình thức mua hàng qua mạng, thuê người vận chuyển (shipper) ứng tiền trước trả cho shop, khách nhận hàng trả lại cho shipper sau ngày một nở rộ. Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng hình thức này để chiếm đoạt tài sản của shipper.
Giữa trưa nắng như đổ lửa, anh N.T.Đ mồ hôi nhễ nhại bước vào điểm hẹn với PV Báo Giao thông trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Vừa ngồi xuống ghế, lấy tay áo quyệt ngang mặt, anh Đ. nói: “Em còn mấy cuốc nữa định chạy nốt nhưng thôi qua gặp anh, để chiều chạy. Mỗi ngày lại thêm người bị lừa em sốt ruột lắm, toàn ngoại tỉnh khó khăn cả. Ngày mai em bận trông con đang đi viện không thể làm gì được”.
Anh Đ. kể lại, ngày 13/4, qua ứng dụng Snaiship, anh nhận một đơn chuyển hàng (ship) người gửi là Nguyễn Hoài Nam, số điện thoại 09845376.., ở 11 Ngọc Khánh, Ba Đình, người nhận là chị Luyến Tattoo, số điện thoại 0903 4915..., ở 159 Tân Mai, Hoàng Mai (Hà Nội). Sản phẩm gửi đi là một bộ thiết bị xăm, tiền ứng 1.920.000 đồng, công ship 60.000 đồng. Để chắc chắn, anh N.T.Đ yêu cầu đến tận nhà lấy hàng, không ngờ vẫn bị lừa.
Ngụm hớp nước, anh Đ. kể tiếp: "Theo hướng dẫn, tôi đi vào ngõ 11 Ngọc Khánh, khu tập thể nhà A3, A4 thì thấy một thanh niên cao to, xăm hình sau gáy đã đứng chờ sẵn ở cầu thang số 2, dắt anh vào nhà số 232, nhận đây là nhà mình và đưa cho túi đồ. Cũng phần nào yên tâm, nhưng anh Đ. vẫn cẩn thận gọi điện cho người nhận hỏi: “Có phải chị nhận máy xăm này không", đầu dây bên kia trả lời: “Ừ, đúng rồi”.
Chạy khoảng 20 phút đến địa điểm giao hàng anh Đ. mới biết số 159 Tân Mai là siêu thị Vinmart, không phải nhà dân. Gọi điện cho người nhận, đầu dây kia nói “Đứng đấy, chờ tôi tí”. Nhưng chờ đến 10 phút không thấy ai xuất hiện, anh Đ. gọi lại cho cả người gửi lẫn người nhận thì đều nghe thông báo "thuê bao không liên lạc được".
Ngay lập tức quay lại số nhà 232, anh Đ. mới vỡ lẽ người gửi hàng không phải là người ở đây, chỉ đi vệ sinh nhờ, cầm túi đồ để trên bàn, lúc sau quay lại lấy “mang cho người thân”.
Anh Đ. chia sẻ thêm, trước đây làm nghề xây dựng bên Bắc Ninh. Hơn một năm nay, sức khỏe yếu, anh phải nghỉ làm xây dựng, chuyển sang chạy ship. Vợ anh làm công nhân ống gió điều hòa. Hai vợ chồng làm nghề tự do nuôi hai đứa con khá vất vả. Nghiệt ngã hơn, đứa con trai 6 tuổi nhà anh mới phát hiện bị ung thư máu (máu trắng) hơn 5 tháng nay. Ngày mai cháu lại vào bệnh viện xạ trị lần thứ hai. "Kinh tế gia đình đã khốn khó, đi ship lại bị lừa mất tiền", anh Đ. buồn bã.
Sau khi về, đăng thông tin mình bị lừa lên cộng đồng Facebook Săn ship, anh Đ. cho biết hàng chục shipper đã liên hệ, cho biết bị lừa với hình thức tương tự. Vừa kể, anh Đ. vừa đưa cho PV danh sách 10 người, ghi rõ họ tên, số điện thoại, số tiền anh tổng hợp viết tay. “Đây mới chỉ là 1/3 thôi, còn nhiều nữa”, anh Đ. nói.
Anh N.Q.Q. (Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội) sinh viên một trường cao đẳng đi làm thêm phụ tiền học và sinh hoạt cá nhân cũng bị lừa với hình thức tương tự. Anh Q. bị lừa ứng trước số tiền 2.250.000 đồng tiền ship chiếc đồng hồ từ số 200 Âu Cơ, Tây Hồ đến 22 Trương Công Giai, Cầu Giấy, Hà Nội. Khi đến nơi cả hai đầu đều tắt máy. Được sự giúp đỡ của anh em, bè bạn, ít ngày sau anh Q. tìm ra người gửi, lấy lại được số tiền. Khi thông tin mình bị lừa lên mạng để cảnh báo, anh Q. đã bị gọi điện thoại đe dọa: “Mày có tin khi ra đường tao chặt chân mày không?”
Anh Đ. và anh Q. là hai trong số nhiều shipper đang bị lừa đảo bằng hình thức này.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Công an Phường Giảng Võ xác nhận đã nhận được trình báo của anh N.T.Đ. Công an phường đang lập hồ sơ, tổ chức xác minh.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận