Chưa khi nào số phận một cây cầu lại được dư luận cả nước quan tâm đến vậy. Cũng dễ hiểu bởi cầu Long Biên đã đi vào tiềm thức của người dân Hà thành như một “báu vật sông Hồng”, là ký ức mà mỗi khi nhắc đến Hà Nội là tất thảy mọi người đều da diết.
Thế nhưng, cây cầu trăm tuổi, già nua và đang xuống cấp nghiêm trọng ấy vẫn phải ngày ngày gồng mình cho những chuyến tàu, chuyến xe xuôi ngược. Cứ đà đô thị phát triển mạnh mẽ, phương tiện ngày càng gia tăng chóng mặt như hiện nay, không ít người lo ngại, cầu Long Biên sẽ khó có thể cầm cự nổi trong một vài năm nữa. Do vậy, việc các nhà quản lý phải loay hoay tìm giải pháp bảo tồn cũng là điều dễ hiểu.
Giá trị về mặt văn hóa và kiến trúc của cây cầu trăm tuổi là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, giữa nhu cầu phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa dường như luôn là hai thái cực trái ngược nhau mà như một chuyên gia xây dựng đã nói “đây là câu chuyện không tránh khỏi trong quá trình phát triển”.
Những ngày gần đây, nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối cả ba phương án xây cầu mới đi trùng tim cầu cũ. Hàng loạt câu hỏi được dư luận và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đặt ra: Tại sao phải đi đúng vị trí ấy? Tại sao không xây một cây cầu mới ở vị trí khác? Tại sao phải phá bỏ cầu Long Biên?...
Sự lo lắng đó hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng ít ai biết, từ khi lập dự án tiền khả thi, Bộ GTVT cũng đã tính toán chu toàn cho điều này. Vì thế, đã có không dưới ba phương án xây dựng cầu đường sắt qua sông Hồng được đề xuất để tách cầu mới, bảo tồn cầu cũ, bất chấp những tốn kém, khó khăn về mặt thi công, giải phóng mặt bằng cũng như việc kết nối các tuyến giao thông hiện hữu. Tuy vậy, đã hơn chục năm nay, dự án vẫn nằm trên bàn giấy mà nguyên nhân cốt lõi không gì khác là khâu giải phóng mặt bằng. Hà Nội với trách nhiệm chính trong công tác này suốt những năm qua vẫn không thể đưa ra được chỉ giới đường đỏ để phục vụ việc giải phóng mặt bằng với lý do người dân phản đối, khiếu kiện.
Về mặt nguyên tắc, ngành GTVT sẽ không thể đơn phương thực hiện dự án nếu không có sự thống nhất của địa phương. Cũng chính vì thế, các phương án tối ưu nhất cho nhu cầu xây dựng một cây cầu đường sắt phục vụ phát triển giao thông đô thị của thủ đô với việc bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên bị rơi vào tình thế: Nâng cấp thì không thể bảo tồn mà bảo tồn nguyên trạng thì không thể cải tạo, nâng cấp.
Tuy nhiên, người dân thủ đô cũng như những người yêu giá trị trường tồn của cầu Long Biên hẳn sẽ yên lòng hơn khi mới đây, Bộ GTVT đã lên tiếng xác nhận sự lựa chọn rõ ràng mà chắc chắn sẽ được nhiều người đồng tình: “Không phá cầu cũ để xây cầu mới”.
Ngọc Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận