Đời sống

Ứng xử với thuốc lá mới: Cần tôn trọng hệ thống pháp luật

29/05/2024, 15:55

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) là cơ sở pháp lý được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đem ra thảo luận trong việc ứng xử với thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN).

Tại Phiên giải trình Trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng chống tác hại TLĐT, TLLN ngày 4/5 vừa qua, theo các đại biểu, để cấm hay cho phép thí điểm kinh doanh các sản phẩm này, hệ thống pháp luật hiện hành gồm Luật PCTHTL và Luật Đầu tư sẽ là căn cứ pháp lý để các cơ quan bộ, ngành xem xét thận trọng trước khi ra quyết định, bên cạnh việc đánh giá tác hại với bằng chứng khoa học.

Về bản chất TLLN, TLĐT là thuốc lá: Cần được xác định bằng văn bản cụ thể

Trả lời báo chí sau phiên giải trình 4/5, ông Tạ Văn Hạ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề cập đến việc tranh luận về TLLN, TLĐT có phải là thuốc lá hay không.

Ứng xử với thuốc lá mới: Cần tôn trọng hệ thống pháp luật- Ảnh 1.

Luật PCTHTL là cơ sở pháp lý mạnh nhất được các ĐBQH đem ra thảo luận trong việc ứng xử với thuốc lá điện tử.

Theo ông Hạ, hiện nay có cơ quan cho rằng TLLN, TLĐT hay một số loại thuốc lá mới khác là thuốc lá, nhưng có cơ quan lại nói không. "Vì vậy, đầu tiên, căn cứ quy định của Luật PCTHTL, cơ quan quản lý phải định nghĩa, khẳng định rõ đây là thuốc lá, chứ không phải loại khác," ông Hạ nhấn mạnh.

Ông Hạ nói thêm, nếu các sản phẩm này là thuốc lá thì trách nhiệm quản lý thế nào. Ông Hạ cho rằng, có thể căn cứ vào khoản 1 đến khoản 4 Điều 2 Luật PCTHTL để nhận dạng các sản phẩm này, bao gồm quy định: "Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác"; "Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá"; "Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá".

Ông cũng nêu rõ, các cơ quan liên quan cần dựa trên bằng chứng khoa học để làm rõ mức độ độc hại cụ thể của sản phẩm so với thuốc lá điếu trước khi ra quyết định cấm bất kỳ loại thuốc lá nào. Ngoài ra, cần đưa ra nghiên cứu, đánh giá xem từ khi xuất hiện thuốc lá mới này có tác động tăng hay giảm với người sử dụng thuốc lá nói chung. Bởi việc cấm có liên quan vấn đề quyền con người, quyền kinh doanh nên cần phải dùng luật và rất thận trọng.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà – Phó ban Công tác dân nguyện thuộc UBTVQH yêu cầu Bộ Y tế cần dựa trên các bằng chứng khoa học để làm rõ nguyên nhân tại sao lại có các ứng xử khác giữa TLLN và TLĐT.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chất vấn các bộ tham mưu cho Chính phủ là Bộ Y tế và Bộ Công thương đã có nghiên cứu toàn diện về các chất trong các sản phẩm này chưa, có loại nào thuộc danh mục cấm hay được kinh doanh có điều kiện. Theo đó để cấm hay quản lý cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ.

Thực trạng hiện nay thấy rõ, các hệ lụy liên quan tới TLĐT là hệ quả của việc thiếu vắng hành lang pháp lý trong suốt nhiều năm qua, khiến cho thị trường chợ đen phát triển mạnh mẽ, gây ra nhiều lo lắng trong xã hội.

Tác hại của TLĐT, TLLN: Vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng

Nói về các nghiên cứu về mức độ gây hại của TLLN, TLĐT, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, bộ có bảng so sánh về 4 yếu tố của sản phẩm thuốc lá, bao gồm: có sử dụng nguyên liệu thuốc lá không; có chứa nicotine không; có chất tar (nhựa thuốc) không; và có đốt cháy khi sử dụng không. Bà Thắng cho biết, dựa trên 4 tiêu chí này, TLLN được đánh giá là "có sợi thuốc lá, có đầy đủ các chất như thuốc lá", và "chỉ thay đổi cách sử dụng" là dùng thiết bị để nung nóng điếu thuốc đặc chế, mà không đốt cháy như thuốc lá điếu.

Ứng xử với thuốc lá mới: Cần tôn trọng hệ thống pháp luật- Ảnh 2.

FDA Hoa Kỳ chỉ cấp phép lưu hành cho 1 loại TLLN đầu tiên sau kiểm nghiệm khoa học chặt chẽ.

Do đó bà Thắng kết luận, hiện Bộ Công thương đang chuẩn bị trình Chính phủ theo hướng quản lý thí điểm chỉ áp dụng cho TLLN vì có nguyên liệu thuốc lá, thuộc định nghĩa của Luật PCTHTL và thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công thương. Còn các loại thuốc lá chứa dung dịch (TLĐT), Bộ Công thương đề xuất cần nghiên cứu thêm nên chưa lưu hành trong thời gian này.

Vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế thực hiện đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuốc lá điện tử với sức khỏe người dùng, nhất là đối tượng thanh thiếu niên; đồng thời xem xét các hướng dẫn, khuyến nghị của WHO để có hành động, giải pháp quản lý phù hợp.

Theo báo cáo mới nhất của WHO cuối tháng 5/2024, tổ chức này đề xuất các quốc gia áp đặt lệnh cấm việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLLN đối với đối tượng là trẻ em, đồng thời tăng cường quản lý các sản phẩm dành cho đối tượng người trưởng thành thông qua các biện pháp hạn chế về thuế và kinh doanh.

Báo cáo toàn diện của WHO về nghiên cứu và bằng chứng của các sản phẩm TLLN cũng cho biết, tính đến đầu năm 2024, có 69 quốc gia quy định cụ thể về TLLN dưới dạng thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá mới, thuốc lá không khói, hay các dạng khác. Có 86 quốc gia khác ngầm quản lý TLLN theo quy định của thuốc lá điếu. Tuy nhiên hầu hết các quốc gia này đều áp mức thuế suất cho TLLN thấp hơn đáng kể so với thuốc lá điếu.


Ứng xử với thuốc lá mới: Cần tôn trọng hệ thống pháp luật- Ảnh 3.

Theo kết quả khảo sát do báo VNExpress thực hiện từ 16/5 - 28/5 trên gần 4.000 độc giả, có 77% người tham gia đề xuất không nên cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.




Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.