Sáng 9/6, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2023); Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) và biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Lê Thị Thắm (SN 1998, ngụ ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nằm trong số 135 cá nhân, tập thể được biểu dương là gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Từ khi được sinh ra, Thắm đã không có 2 cánh tay. Với ý chí và nghị lực vượt lên số phận, cô gái này khổ luyện bằng cách dùng chân để viết chữ, cố gắng học tập.
Nhớ lại những năm tháng bắt đầu tập viết, Thắm kể: "Những năm đầu học tiểu học, nhiều khi em tưởng mình phải bỏ lại ước mơ vì khi tập viết, các đầu ngón chân sưng tấy, mỏi nhừ. Nhiều khi đau quá, em quẳng bút ngồi khóc, nhưng rồi sau đó lại nhặt bút và tiếp tục luyện chữ".
Lê Thị Thắm phát biểu tại buổi lễ
Với nỗ lực đó, Thắm đã thực hiện được ước mơ đèn sách với thành tích 12 năm liên tiếp là học sinh giỏi. Năm 2016, cô gái này thi đỗ Trường Đại học Hồng Đức. Trong 4 năm học sau đó, Thắm luôn là sinh viên giỏi, được nhận học bổng, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen thưởng về tấm gương vượt khó.
"Sau khi tốt nghiệp đại học, em về quê mở lớp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ gần nhà. Thời gian đầu, em mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em trong làng. Sau này, một số phụ huynh gửi con học thêm nâng cao kiến thức nên em quyết định mở lớp dạy thêm tại nhà, rồi xin bố mẹ mua thêm trang thiết bị để thuận tiện cho việc giảng dạy. Với em, đó là một công việc thay lời cảm ơn của em đến bố mẹ, hàng xóm, bạn bè và thầy cô đã đồng hành, giúp đỡ em trong suốt những năm qua", Thắm chia sẻ.
"Mơ ước lớn nhất của em là một ngày được đứng trên bục giảng, quan sát và giảng dạy cho học sinh trên lớp, được cống hiến trong môi trường giáo dục. Bản thân có nhiều hạn chế nhưng em sẽ nỗ lực, tận tâm, tận lực cống hiến nếu được trao cơ hội", Thắm nói tại lễ kỷ niệm.
135 cá nhân, tập thể được UBND, Tỉnh ủy Thanh Hóa biểu dương
Ngoài Lê Thị Thắm, dịp này, tỉnh Thanh Hóa còn biểu dương nhiều tấm gương khác trong phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là những cán bộ, công chức tận tụy, sáng tạo, gương mẫu trong phong trào thi đua “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; các y bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tiên phong trong công tác phòng chống dịch Covid-19, những người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp sức người, của cải để xây dựng nông thôn mới...
Hay như tấm gương bà Hà Thị Tự ở thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, quyết tâm mang “ánh sáng tri thức” đến với trẻ mầm non nơi đặc biệt khó khăn; gương ông Hà Duyên Sơn ở huyện Thọ Xuân với mô hình xây dựng thư viện gia đình gồm gần 3 nghìn đầu sách, khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của đông đảo người dân địa phương.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết 75 năm qua, nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân địa phương đã gương mẫu trong các phong trào thi đua, mang lại những kết quả to lớn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như tâm nguyện của Người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận