Bạn đọc Nguyễn Quang Chương (Đông Anh, TP Hà Nội) hỏi: Tuần trước tôi ra trang trại nhà ông chú ăn cơm và uống rượu cùng người thân, chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong mâm cơm là việc CSGT đang tăng cường xử mạnh vi phạm nồng độ cồn.
Trong câu chuyện, có người hỏi, nếu một người cố tình lách luật bằng việc khi uống rượu bia xong, người này không điều khiển phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, xe đạp, xe đạp điện…) mà cưỡi động vật (ngựa, trâu, bò…) ra đường thì có bị xử phạt không?
"Từ câu chuyện trên, tôi xin hỏi, nếu cưỡi động vật đi trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn thì có bị phạt không?", bạn Chương hỏi.
Cưỡi động vật ra đường có thể bị xử phạt từ 60 - 200 nghìn đồng
Trả lời nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định việc xử lý hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà cơ thể vượt quá nồng độ cồn.
Theo đó, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; máy kéo, xe máy chuyên dùng; xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ khác... có nồng độ cồn trong máu/hơi thở đều bị xử lý.
"Theo quy định đang có hiệu lực pháp luật, thì chưa điều chỉnh vấn đề sử dụng động vật để thay thế phương tiện thực hiện hành vi đã nêu trên", luật sư Lực nói.
Tuy nhiên, luật sư Quách Thành Lực cho rằng, người cưỡi ngựa trên đường có thể bị xử phạt các lỗi điều khiển súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới và không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
"Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, tùy theo hành vi vi phạm sẽ bị xử lý với các mức phạt khác nhau như phạt tiền từ 60 - 200 nghìn đồng", luật sư Lực nói.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Ngoài ra luật sư, Quách Thành Lực cho rằng, trường hợp gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự.
Khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
"Trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm", luật sư Lực nói.
Từ những phân tích trên, luật sư Quách Thành Lực cho rằng, người dân không nên cưỡi động vật tham gia giao thông để tránh liên quan đến vấn đề pháp lý.
"Động vật khi chưa được huấn luyện thì rất dễ bị kích động trước những phương tiện giao thông như xe máy, ô tô, chính vì thế nó sẽ tạo ra những hành vi mất kiểm soát như đâm đụng vào phương tiện giao thông. Như vậy sẽ nguy hiểm cho chính người cưỡi chúng và người khác", luật sư Lực nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận