Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đến các Bộ Tài nguyên và Môi trường; GTVT và các địa phương liên quan về việc điều phối vật liệu cát san lấp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lê An
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau với khối lượng của năm 2023; Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan xác định cụ thể vị trí các khu vực mỏ, sớm triển khai các công việc cần thiết để cung cấp vật liệu cho các dự án.
“Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh để thực hiện các thủ tục khai thác mỏ theo quy định.
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các công trình, dự án trọng điểm khu vực ĐBSCL sẽ triển khai đồng loạt với nhu cầu vật liệu cát rất lớn, khoảng 54 triệu m3, chủ yếu tập trung trong các năm 2023 và 2024.
Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các địa phương trong khu vực rà soát, đánh giá nguồn cung, phân bổ cho các dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu về các thủ tục khai thác mỏ, việc nâng công suất khai thác mỏ theo quy định”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu cát đắp phục vụ thi công hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau khoảng hơn 18 triệu m3.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, An Giang để thống nhất việc cung cấp vật liệu cát đắp cho các dự án.
Theo đề nghị của Bộ GTVT, để đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công hai dự án, tổng khối lượng tỉnh An Giang cần bố trí là 7 triệu m3 (riêng năm 2023 là 3,3 triệu m3); tỉnh Vĩnh Long là 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3); tỉnh Đồng Tháp khoảng 7 triệu m3 (năm 2023 cần khoảng 3,3 triệu m3).
“Tuy nhiên, đến nay, khối lượng cát đắp giải quyết được cho cả hai dự án mới được khoảng 3 triệu m3.
Trong đó, tỉnh An Giang đề xuất 4 mỏ (tăng 50% công suất) để cung cấp khoảng 1,1 triệu m3. Vấn đề này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang thông qua, đang chờ UBND tỉnh ban hành quyết định cho phép tăng công suất mỏ.
Tỉnh Đồng Tháp tăng công suất 2 mỏ và mở 2 mỏ mới cung cấp cho dự án khoảng gần 1,9 triệu m3 cát đắp. Hiện nay, địa phương đã có quyết định tăng công suất mỏ”, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, tính đến nay, tại hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, công tác đào bóc hữu cơ đã hoàn thành khoảng 65/110 km. Các nhà thầu đang rất cần cát để thi công ngay trong tháng 6/2023, đảm bảo thời gian xử lý nền đất yếu, đáp ứng tiến độ dự án theo yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận