Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh hạ tầng giao thông đầu tư, kết nối tạo động lực phát triển vùng duyên hải miền Trung. Ảnh: Xuân Huy |
Kiến nghị trên được Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang - Trưởng ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung nhấn mạnh tai cuộc họp thường kỳ năm 2017, tổ chức tại Đà Nẵng chiều nay (24/9).
Theo ông Quang, thời gian qua, các địa phương vùng duyên hải có sự phát triển, tăng trưởng trên các mặt kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: tốc độ phát triển không đồng đều, thu nhập bình quân đầu người chưa bằng bình quân cả nước, việc liên kết còn rời rạc, thiếu các chính sách động lực, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, vùng duyên hải.
TS. Trần Du Lịch (Ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung) cho biết: Vùng kiên định mục tiêu phát triển trở thành khu vực trọng điểm trong chiến lược kinh tế biển Việt Nam. Trong 10 giải pháp phát triển vùng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ , Ban điều phối vùng tập trung chủ yếu vào các giải pháp liên kết cơ sở hạ tầng, giao thông, vận tải, logistics biển....
Giải pháp xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt vùng duyên hải miền Trung với những cơ chế đặc biệt về thuế đất, khai thác "quỹ đất", "vốn mồi" (vốn ban đầu từ Trung ương để khởi động dự án-NV) được các địa phương đồng thuận. Theo TS. Trần Du Lịch, giải pháp mang tính động lực, hình thành tuyến đường chiến lược, mang cả ý nghĩa kinh tế, quốc phòng, hình thành "mặt tiền" của đất nước, kéo theo sự phát triển các khu đô thị, khu du lịch ven biển.
Thống kê, toàn tuyến đường ven biển dài 1.000km, hiện các địa phương Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa... đã và đang xây dựng, kết nối; còn khoảng 500km đường ven biển trên địa bàn chưa được đầu tư, kết nối liên hoàn.
Cầu Cửa Đại, tuyến đường ven biển được Quảng Nam đầu tư, đưa vào khai thác |
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: Tuyến đường ven biển rất thiết thực, nằm trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông biển đồng bộ từ cơ chế chính sách, đến vận hành, lưu thông.
Theo Thứ trưởng Thọ, với đặc thù hơn 1.000km chiều dài bờ biển, vùng duyên hải miền Trung có tiềm năng lớn trong việc phát triển hạ tầng, vận tải ven biển. Từ năm 2015-2016, Bộ GTVT tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, công bố luồng tuyến, thủ tục ra vào các cảng, vận tải ven biển, qua đó kích cầu vận tải biển từ Quảng Ninh đến Đồng bằng Sông Cửu Long với sản lượng mỗi năm đạt 30 triệu tấn.
Đồng thời, thí điểm xây dựng các trung tâm Logistics, hậu cần cảng biển. Lĩnh vực đường bộ tại vùng đang được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Đặc biệt khu vực Đà Nẵng hình thành các tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, La Sơn-Túy Loan, mở rộng QL1, hầm Hải Vân (giai đoạn 2); phát triển hạ tầng hàng không, đường sắt… “Yêu cầu đặt ra phải kết nối đồng bộ các loại hình giao thông, phương thức cảng biển. Việc hình thành trục đường ven biển rất cần thiết”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Đông Hải, Phó ban Kinh tế Trung ương, giải pháp phát triển đường ven biển, khu kinh tế ven biển là các giải pháp để cụ thể chiến lược vùng kinh tế biển động lực của miền Trung.
Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đồng tình: Các địa phương trong vùng cùng đồng thuận, ký kiến nghị lên Thủ tướng ưu tiên triển khai đường ven biển. Ban điều phối rà soát, "điều phối" nhiệm vụ cụ thể của các Bộ ngành chức năng, địa phương cùng tham gia, triển khai công tác GPMB, huy động đầu tư... Đường ven biển sẽ dịch chuyển sự phát triển đô thị, hình thành các đô thị biển động lực.
Theo các chuyên gia, vận tải biển có rất nhiều lợi thế cạnh tranh về chi phí, tính ổn định, khả năng thông thương và đang là xu thế của nhiều nước giáp biển trên thế giới.
Chủ trì hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang - Trưởng ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung nhấn mạnh: Phát triển hạ tầng giao thông kết nối là một trong những động lực phát triển liên kết, kinh tế vùng, đặc biệt định hướng kinh tế biển miền Trung.
Theo thống kê Ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung, toàn vùng có 6 khu kinh tế, 1 khu công nghệ cao, 37 khu công nghiệp. Hạ tầng giao thông có 6 cảng hàng không (trong đó có 4 cảng quốc tế), 13 cảng biển (trong đó có 7 cảng loại 1), 14 quốc lộ, đường sắt Bắc - Nam. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận