Nhiều điểm nghẽn mặt bằng
Chiều 10/5, ông Lê Văn Dũng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam làm việc với huyện ủy Thăng Bình, Ban QLDA 4 (đơn vị quản lý dự án, thuộc Cục Đường bộ VN) về công tác GPMB thi công dự án cải tạo, nâng cấp QL14E.
Theo ông Võ Tá Thanh, Giám đốc Điều hành dự án cải tạo, nâng cấp QL14E, mặt bằng qua huyện Thăng Bình hiện bàn giao 11,88km/121 đoạn.
Tuy nhiên, trong số này có 2,17km/69 đoạn chưa thi công do chiều dài nhỏ lẻ (dài 5-56m mỗi bên). Ngoài ra, 32 đoạn khác đã bàn giao mặt bằng nhưng người dân cản trở không cho thi công với lý do giá đền bù hỗ trợ thấp, khiếu nại về đất nằm sát mặt đường, yêu cầu nhận tiền đền bù mới bàn giao…
Hiện nay, còn 178 trường hợp chưa trình thẩm định hồ sơ đủ điều kiện bồi thường. Trong đó, 65 trường hợp ở xã Bình Quý, 17 trường hợp ở xã Bình Định Bắc, 69 trường hợp ở xã Bình Trị và 27 trường hợp ở xã Bình Lãnh.
Ông Thanh cho biết thêm, riêng phạm vi cầu vượt đường sắt (thuộc xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) vướng 63 thửa đất của 63 hộ.
Trong đó, đã có văn bản đủ điều kiện bồi thường về đất 48 thửa; kiểm tra, thẩm định điều kiện đền bù 4 thửa. Có 5 thửa vướng tranh chấp và 6 thửa xã Bình Quý đang hoàn thiện hồ sơ để trình văn bản đủ điều kiện bồi thường.
Theo ông Thanh, phương án bồi thường chưa được người dân thống nhất. Cụ thể, kết quả khảo sát ý kiến người dân bị ảnh hưởng có 38/63 hộ muốn di dời tái định cư, 6/63 hộ muốn ở lại, 19/63 hộ đang lưỡng lự chưa biết đi hay ở.
Qua tính toán, nếu tái định cư 63/63 hộ cần kinh phí hỗ trợ 99,25 tỷ đồng. Nếu tái định cư 57/63 hộ cần kinh phí 90,25 tỷ đồng và tái định cư 38/63 hộ cần kinh phí 54,15 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND huyện Thăng Bình khẩn trương triển khai các thủ tục GPMB, đến ngày 30/5/2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án.
Trong đó, đặc biệt quan tâm GPMB phạm vi cầu vượt đường sắt, vì đây là công trình có nhiều hạng mục phức tạp với thời gian thi công dài (dự kiến 16 tháng).
Kiến nghị tăng thêm nguồn đền bù
Theo ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nguyên nhân chậm GPMB là do nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, thủ tục thừa kế, sao lục hồ sơ, điều chỉnh trích đo chưa có thông báo thu hồi đất không thu thập được hồ sơ do vắng chủ…
Ông Hùng cho biết thêm, huyện sẽ bàn giao mặt bằng cho dự án theo từng giai đoạn. Theo đó, các xã đã mời Phòng TN&MT, Văn phòng đăng ký đất đai rà soát từng hồ sơ, trưng dụng, biệt phái cán bộ địa chính của một số xã để làm việc…
Ông Phan Công Vỹ, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình yêu cầu, Phòng TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất phải xuống từng địa phương, hướng dẫn xử lý các vướng mắc mặt bằng. Đất thuộc diện đủ cơ sở pháp lý thu hồi rồi thì phải bảo vệ thi công.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Dũng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quyết tâm GPMB, phải ưu tiên số 1 cho dự án cải tạo, nâng cấp QL14E, vì đây là tuyến đường trung ương đầu tư, rất có ý nghĩa đối với địa phương.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cũng thống nhất cho di dời 63 hộ trong phạm vi cầu vượt đường sắt.
"Kinh phí di dời giao UBND tỉnh có văn bản đề nghị chủ đầu tư, Bộ GTVT cho tăng thêm nguồn đền bù, giải tỏa trên cơ sở khái toán cụ thể, tránh tình trạng đề nghị nhiều lần", ông Dũng nói.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL14E đoạn Km 15+270 - Km 89+700, đi qua địa bàn các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam, khởi công vào ngày 7/3/2023.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 1.848 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Cục Đường bộ VN, Ban Quản lý dự án 4 là đơn vị được giao quản lý dự án.
Tiến độ thực hiện dự án từ 2021 - 2025. Tuy nhiên, đến nay tổng mặt bằng được bàn giao cho dự án mới chỉ đạt 70% theo từng đoạn nhỏ lẻ khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận