Chiều 9/7, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBATGTQG về kế hoạch ATGT năm 2019, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi chủ trì buổi kiểm tra, làm việc với ngành chức năng về công tác quản lý, hạ tầng đường sắt qua địa bàn.
Theo ông Khôi, đoàn tập trung kiểm tra đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ - đường sắt và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia.
Đoàn kiểm tra Cục đường sắt Việt Nam đã đi kiểm tra hiện trường các điểm giao cắt giữa đường bộ - đường sắt tại vị trí km870+190, km872+280 (xã Tam Xuân 2) thuộc địa bàn thành phố Tam Kỳ; vị trí km891+485, km893+775 (xã Tam Nghĩa) thuộc huyện Núi Thành.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 5 vụ TNGT (3 vụ nghiêm trọng) đường sắt làm 2 người chết. Trong đó, điểm xảy ra tai nạn có 3 điểm tại lối đi tự mở, 1 vụ tại đường ngang biển báo và 1 vụ dọc đường sắt.
Năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 20 vụ tai nạn đường sắt (1 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 8 vụ nghiêm trọng) làm 8 người chết, 9 người bị thương. Vị trí xảy ra tai nạn tại lối đi tự mở là 9 vụ, vị trí đường ngang có 3 vụ và 8 vụ dọc đường sắt.
Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, cho biết: Chiều dài tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam khoảng 91,5km (từ km806+500 đến km898+00).
Trên tuyến có tổng cộng 58 đường ngang (giảm 3 đường so với năm 2017); trong đó, có 23 đường ngang có gác, 23 đường ngang cảnh báo bằng cần chắn tự động và 12 đường ngang cảnh báo bằng biển báo. Trong số 58 đường ngang có hơn 23 vị trí giao cắt cần được sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo ATGT đường sắt.
Hiện nay, dù giảm được 15 lối đi tự mở so với năm 2017 nhưng trên toàn tuyến đường sắt qua Quảng Nam còn tồn tại 63 lối tự mở. Trong đó, nhiều nhất là huyện Núi Thành.
Theo ông Thanh, các lối đi tự mở đã có cắm biển báo cảnh báo, lát đan bê tông tại đường sắt, trồng cọc bê tông, thu hẹp lối đi để hạn chế phương tiện qua lại.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời nên vẫn tồn tại nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT. Nhiều lối đi tự mở có mật độ phương tiện cơ giới qua lại nhiều, đa số là mặt đường không bằng phẳng, độ dốc lớn, tầm nhìn bị hạn chế. Nhiều vị trí đã trồng cọc bê tông để thu hẹp lối đi nhưng người dân tự ý dỡ bỏ nên nguy cơ gây mất ATGT.
Ông Vũ Quang Khôi đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở GTVT, Ban ATGT, chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua tổ chức kiểm tra, ra soát các vị trí vi phạm trật tự hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đường sắt đến nhân dân. Khi thực hiện cấp đất cho doanh nghiệp, người dân cần tính đến phương án đảm bảo ATGT.
Ông Khôi cho rằng, Quảng Nam cần tăng cường công tác phối hợp với Cục đường sắt Việt Nam, Tổng công ty ĐSVN và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp quản lý, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở. Hoàn thành việc lập hồ sơ chi tiết quản lý, theo dõi vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt, lối đi tự mở trên địa bàn.
“Tổ chức thực hiện các biện pháp kiềm chế không để phát sinh lối đi tự mở trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở. Ưu tiên kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom để xóa triệt để lối đi tự mở này”, ông Khôi nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận