Để thu gần khoảng cách, xóa đói giảm nghèo, Nghệ An đang ưu tiên nguồn lực để mở thêm, nối dài những con đường đến với đồng bào.
Mở đường xóa nghèo cho đồng bào miền núi
Những ngày cuối tháng 7 trên công trường dự án đường giao thông Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền (ở huyện vùng núi giáp biên Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), những kỹ sư công nhân của các nhà thầu đang khẩn trương thi công những đoạn đường láng nhựa cuối cùng. Kỹ sư Lê Duy Hưng - Phó tổng Giám đốc Công ty CP 468 phấn khởi cho biết: Sau hơn 10 tháng ăn núi ngủ rừng, vượt qua biết bao khó khăn, đến nay đường cũng sắp hoàn thành. Chỉ nốt hôm nay là chúng tôi sẽ chuyển sang hoàn thiện hệ thống ATGT để tháng 8/2021 bàn giao đưa vào sử dụng.
Các công nhân đang láng nhựa mặt đường những đoạn cuối cùng của giai đoạn 2 dự án đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền
Kỹ sư Hưng nhớ lại: “Lúc mới lên công trường khoảng tháng 9/2020, đường lên đây khó đi vô cùng. Nghe bảo lên Na Ngoi ai cũng ái ngại. Thời đó, ngày nắng xe bán tải 2 cầu vừa bò, vừa nhích, có đoạn dốc phải dùng xe tải kéo lên. Ngày mưa, xe chở dầu vào phải có máy xúc, máy ủi ra ‘hộ tống’; Còn hôm nay, xe chở hàng đã tấp nập vào tận bản mua nông sản”.
“Có cái đường nhựa dân Mông tôi mừng lắm. Gừng, dưa hái về là có xe đến tận bản mua, không phải dậy sớm cõng xuống thị trấn nữa. Giờ đi đâu mua gì cũng tiện, chạy xe máy có tí thôi à!” - chị Vừ Y Lầu, trú xã Na Ngoi vui mừng nói.
Đối với huyện Kỳ Sơn nói riêng và vùng Tây Nghệ An nói chung, mỗi con đường được nâng cấp, nối dài đều thực đáng quý. Nó không chỉ giúp người dân ở đây đi lại dễ dàng mà nó còn giúp xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương, nguyên Chủ tịch xã Nhôn Mai, cho biết: Trước đây chưa có QL16 (đường Tây Nghệ An), muốn vào xã chỉ có 2 cách: một là chèo đò xuôi theo lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hai là trèo đèo vượt suối cả 1 ngày liền.
Cuộc sống biệt lập khó khăn không kể hết. Từ khi có đường, giao thương thuận lợi, người dưới xuôi lên đây buôn bán chia sẻ kinh nghiệm, rồi các sở ngành về hướng dẫn bà con làm kinh tế. Đời sống dân bản thay đổi từng ngày. Đến nay nhiều hộ trong xã đã có của ăn của để. Tỷ lệ hộ nghèo từ 75% năm 2015, đến nay chỉ còn 30%.
Người đồng bào dân tộc ở các bản làng vùng sâu ở các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An đã biết ứng dụng công nghệ, các mô hình chăn nuôi nhằm tăng năng suất. (Ảnh: BNA)
“Đặc biệt, lần đầu tiên người dân trong xã (gồm 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú) biết sản xuất theo hướng hàng hóa, biết làm các mô hình chăn nuôi bầy đàn mang hiệu quả cao, và bỏ hẳn thói quen nuôi trồng theo hướng tự cung, tự cấp”, ông Hiệp nói thêm.
Ưu tiên phát triển các cung đường miền Tây xứ Nghệ
Hiểu được ý nghĩa to lớn ấy, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã đặc biệt ưu tiên các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng việc xây dựng các tuyến đường giao thông, tạo tiền đề cho giao thương, phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào các dân tộc.
Một số tuyến đường quan trọng đã hoàn thành trong giai đoạn 2013 - 2020, như: Đường tỉnh 541, 543 (đường Tây Nghệ An, nay đã chuyển thành QL16), đường tỉnh 544, 544B (đường Châu Thôn - Tân Xuân, nay đã chuyển thành QL48D), đường nối QL1 đi thị xã Thái Hòa, đường nối từ đường N5 khu công nghiệp Nam Cấm - Đô Lương - Tân Long (Tân Kỳ), cầu Khe Ang 1, cầu Khe Ang 2, cầu Khe Ngậu, cầu Dùng, cầu Pa Tý, cầu Châu Hội, cầu Cốc Mắm, cầu Hiếu II; 12 cầu treo dân sinh, các tuyến đường ra biên giới, các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn miền Tây Nghệ An.
Những con đường, cây cầu được xây mới, đang thu gần khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Các công trình đang được tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai xây dựng: Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền giai đoạn 2, đường từ trung tâm xã Hữu Khuông nối QL16 (Tương Dương), bến xe Mường Xén; các công trình đang chuẩn bị đầu tư: Cầu Đò Cung (Thanh Chương); các cầu treo Bến Yên Hoà (huyện Con Cuông), Cồn Phối (huyện Tân Kỳ), Thúng Nổi (huyện Anh Sơn), bến xe Hòa Bình (Tương Dương), bến xe Nghĩa Đàn, bến xe Bồng Khê (Con Cuông), đường đi Mường Ải - Mường Típ (Kỳ Sơn)...
Hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xi măng làm đường GTNT nên đã tạo phong trào xây dựng đường BTXM tại các xã phát triển mạnh mẽ, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các ngành, các cấp, đặc biệt là các huyện đã có nhiều cố gắng huy động sức dân, dùng ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình, dự án, vận động được nhân dân hiến hàng trăm ha đất cho làm đường giao thông. Chỉ tính giai đoạn 2013 - 2019, các xã của các huyện miền Tây đã xây dựng được 1.382 km đường BTXM theo chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh.
Ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết: Vùng miền Tây Nghệ An luôn được Đảng, Nhà nước xác định có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là một trong những vùng “phên dậu” phía Tây của Tổ quốc, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho cả vùng Bắc Trung bộ và cả nước; đồng thời là vùng đảm bảo môi trường sinh thái, nguồn nước cho cả tỉnh Nghệ An. Chính vì vậy, đây là vùng luôn được tỉnh quan tâm, ưu tiên trong chính sách đầu tư và phát triển. Trong giai đoạn 2020- 2025, Nghệ An sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến QL7C đi Tân Kỳ, QL15 Đô Lương - Tân Kỳ; Kêu gọi thu hút đầu tư tuyến Cao tốc Pắc Xan - Thanh Thuỷ; Đầu tư cầu Thanh Nam, huyện Con Cuông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận