PGS. TS. Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng, Bộ Y tế
Không ai chắc chắn dịch Covid-19 lúc nào kết thúc khi biến chủng mới liên tiếp xuất hiện. Và trong điều kiện vừa phải lo chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế thì giải pháp cần linh hoạt ra sao? Với những khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, có nên tiêm vaccine cho toàn bộ người dân ở đó hay không?
Báo Giao thông trao đổi với PGS. TS. Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
Đừng để “đốm lửa” thành “đám cháy”
Thời gian qua, việc bùng phát các ổ dịch lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM khiến các ca mắc Covid-19 ngày càng tăng cao, chỉ tính từ ngày 27/4 đến nay đã là hơn 7.600 ca. Ông nhận định ra sao về tình hình các ổ dịch trên cả nước hiện nay?
Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang khống chế tốt tình hình dịch bệnh tại các điểm dịch lớn, nhỏ. Tại 2 ổ dịch lớn Bắc Ninh, Bắc Giang, về cơ bản đã khống chế thành công bước đầu. Số ca mắc tại ổ dịch này đã giảm và chỉ còn các trường hợp ca bệnh lây trong khu vực đã được cách ly, phong tỏa.
Đối với Hà Nội, các ổ dịch xảy ra tại đây chủ yếu là các điểm dịch nhỏ. Nhưng nhờ công tác khoanh vùng, truy vết, Hà Nội cũng khống chế nhanh và thành công các ổ dịch trên địa bàn thành phố.
Còn tại ổ dịch TP HCM số ca mắc đang có những diễn biến phức tạp nhưng thành phố đã có những phản ứng rất nhanh để truy vết, dập dịch. Tôi tin trong một số ngày tới cũng sẽ được kiểm soát.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện gần 200 cuộc đàm phán, trao đổi với các hãng và những nhà cung ứng để có thể mua vaccine, nhập vaccine, tiếp nhận viện trợ về vaccine. Và nhận được cam kết cung ứng khoảng 128,9 triệu liều vaccine từ nay đến cuối năm 2021.
Tuy nhiên, khó khăn nhất trong thời điểm hiện nay đó là nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, tiến độ không chắc chắn do nhu cầu sử dụng trên thế giới lớn hơn khả năng cung ứng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
Điều lo ngại nhất hiện nay là dịch bệnh có xu hướng thâm nhập vào các khu công nghiệp không chỉ riêng Bắc Giang, Bắc Ninh mà trên cả nước?
Nếu lây nhiễm trong khu công nghiệp số ca nhiễm sẽ rất lớn, sẽ lây ra cộng đồng và ngược lại.
Bên cạnh đó, dịch cũng đang xâm nhập vào bệnh viện, nếu chúng ta không làm tốt công tác sàng lọc thì sẽ rất nguy hiểm.
Tôi chắc chắn với bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát để không có ca bệnh xuất hiện là rất khó. Do chúng ta vẫn phải phát triển kinh tế và cho người nhập cảnh.
Vì thế, càng cần phải kiểm soát thật tốt. Không để “đốm lửa” bùng phát thành “đám cháy”.
Biến chủng virus mới lây lan nhanh, mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng, theo ông điều gì là quan trọng nhất đối với người dân lúc này?
Dù biến chủng virus lây lan nhanh, mầm bệnh có trong cộng đồng nhưng nếu người dân đồng lòng thực hiện tốt khẩu hiệu 5K thì có thể nhanh chóng cắt đứt đường lây.
Ví như, người A lây cho người B, người B tiếp xúc với người C và D nhưng nếu người B, C, D cùng thực hiện tốt 5K thì không còn đường lây truyền. Điều này cũng lý giải vì sao hiện nay một số ổ dịch nhỏ bị mất dấu F0 nhưng dịch không bùng lên là như vậy.
Tức là chưa phát hiện F0 vẫn luôn phải cảnh giác?
Đúng vậy, không được chủ quan ngay cả khi không có dịch bùng phát.
Đợt dịch này chúng ta đã thấy được lỗ hổng chủ quan trong nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện… khiến virus có cơ hội lây truyền nhanh như vậy.
Đối với người dân đi từ nơi đang có ca bệnh cần có ý thức tuân thủ cách ly tại nhà và thực hiện đúng 5K, để nếu có mắc bệnh, số lượng người bị lây nhiễm sẽ thấp.
Đơn cử, mới đây, có một trường hợp từ TP.HCM ra Hà Nội đã tự khai báo y tế và cách ly tại nhà. Khi trường hợp này ho, sốt và kết quả xét nghiệm dương tính thì truy vết được rất ít F1. Nếu ai cũng làm được như thế sẽ không tạo gánh nặng lên vai ngành y tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đề ra giải pháp “vaccine và 5K” để cuộc sống của người dân sớm có thể quay trở lại bình thường. Việc tiêm vaccine tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ giảm được số ca mắc, giảm các trường mắc Covid-19 nặng và giảm số người tử vong.
Ở thời điểm hiện tại số lượng người được tiêm vẫn thấp, người dân phải thực hiện đúng 5K để cắt đứt được chuỗi lây nhiễm…
Chưa cần thay đổi chiến lược chống dịch
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã tiếp cận được 150 triệu liều vaccine và từ tháng 8 trở đi, các nguồn vaccine Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều. Khi đó, những đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm trước?
Tại Nghị quyết 21 của Chính phủ có quy định về các đối tượng ưu tiên, tuy nhiên căn cứ thực tế, vừa qua cũng đã bổ sung thêm chính sách tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp tại vùng có dịch và thời gian tới vẫn ưu tiên với các vùng có dịch và có nguy cơ cao.
Cục Quản lý Dược đã làm việc trực tiếp với một số địa phương, trao đổi trên điện thoại với một số địa phương và tập đoàn, doanh nghiệp, đồng thời cũng đã hướng dẫn các thủ tục liên quan đến nhập khẩu vaccine.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin về bất kỳ đơn hàng nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 nào của các địa phương, tập đoàn, công ty… gửi về Cục Quản lý Dược.
Ông Vũ Tuấn Cường (Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế)
Với việc tiếp cận được 150 triệu liều vaccine thì có thể bảo đảm đủ được nhu cầu của người dân, trừ trẻ em, các đối tượng chống chỉ định…
Như vậy đủ để tạo miễn dịch cộng đồng với khoảng 70% dân số được tiêm vaccine Covid-19.
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta vừa phải lo chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế thì giải pháp cần linh hoạt ra sao?
Hiện nay, khi số ca mắc cũng như số tử vong/100.000 dân vì Covid-19 tại Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất thế giới thì chiến lược phòng, chống dịch “ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả” chưa cần thay đổi.
Ta đang giữ để dịch xảy ra trên diện rộng.
Nhìn sang các nước Đông Nam Á có thể thấy, khi dịch diễn biến phức tạp, họ buộc phải lựa chọn giải pháp đóng cửa cả nước.
Chính vì vậy, chúng ta phải làm tốt công tác dự phòng, duy trì số ca mắc thấp, khống chế kịp thời các ổ dịch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiếp cận nguồn vaccine, quyết liệt trong tiêm chủng để đạt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng.
Theo ông, có nên ưu tiên tiêm vaccine cho toàn bộ người dân ở những vùng có tiềm năng phát triển du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng... để những nơi này có thể sớm đón khách du lịch, nhất là khách quốc tế trở lại. Cần ưu tiên tiêm theo vùng để tái khởi động lại giao thương, đi cho người đã tiêm vaccine và cho các vùng kinh tế trọng điểm?
Hiện ở Việt Nam những vùng phát triển kinh tế cũng thường đi đôi với nguy cơ cao bởi có giao thương đông đúc, tập trung nhiều chuyên gia, nhân công lao động…
Việc tiêm vaccine Covid-19 vẫn đang ưu tiên với những vùng có nguy cơ cao. Tôi đồng tình với việc ưu tiên tiêm chủng cho các khu vực du lịch để từng bước khởi động hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, tiêm chủng rồi cũng vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch 5K, không thể chủ quan. Đến thời điểm này, “5K+ vaccine” là chiến lược phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận