Xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát bảo đảm trật tự ATGT

12/09/2023, 17:54

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kế hoạch giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Làm việc trực tiếp với 12 địa phương

Chiều nay (12/9), tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên kế hoạch giám sát bảo đảm TTATGT - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - an ninh Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - an ninh Lê Tấn Tới, Phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát cho biết, cuộc giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo, phân công các bộ, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật trật tự ATGT từ năm 2009-2023.

Đồng thời, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong tổ chức thực hiện và vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chính sách, pháp luật trật tự ATGT.

Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật trật tự ATGT. Phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Với phạm vi giám sát trên cả nước, đoàn giám sát dự kiến thực hiện giám sát tại Chính phủ, các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thuộc đối tượng giám sát, trong đó có 12 địa phương đoàn công tác đến làm việc trực tiếp, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ.

Ngoài ra, đoàn tiến hành khảo sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, như các tổng công ty: Hàng không Việt Nam, Cảng Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet Air, Xí nghiệp xe buýt Hà Nội, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM, Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP Đà Nẵng; một số doanh nghiệp đường thủy nội địa, hàng hải; một số hãng taxi; một số trường giáo dục phổ thông.

Tập trung vào giao thông đường bộ

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xem lại phạm vi giám sát vì hiện rất rộng. Nên chăng, việc giám sát chỉ tập trung vào ATGTđường bộ để làm cơ sở hoàn thiện Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên kế hoạch giám sát bảo đảm TTATGT - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, phạm vi và đối tượng giám sát cần nghiên cứu để đi vào trong tâm, trọng điểm.

"Nên tập trung vào lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. Qua giám sát của Quốc hội làm rõ một số vấn đề, nhất là trong văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện", ông Thọ nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong đảm bảo trật tự ATGT, với khuôn khổ hành lang pháp lý thì Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan thực hiện theo chức năng của mình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên kế hoạch giám sát bảo đảm TTATGT - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ.

"Để tham mưu cho Chính phủ thì chúng ta đã thành lập Ủy ban ATGT Quốc gia, Ủy ban này thực chất là sự phối hợp của các cơ quan bộ ngành, trung ương và địa phương để tổ chức thực hiện đảm bảo trật tự ATGT", ông Thọ nói.

Ông Lê Đình Thọ cũng đề xuất, trong đề cương cần thu hẹp một số đối tượng. Những bộ ngành liên quan ít cũng phải có báo cáo nhưng nằm trong báo cáo của Chính phủ, khi đoàn cần giám sát thì có kế hoạch để làm việc thêm.

Đồng thời, tập trung giám sát ở một số địa phương có lượng phương tiện lớn, như TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành.

"Chúng ta yêu cầu quá nhiều tỉnh, thành báo cáo thế này thì khối lượng lớn. Chính phủ chịu trách nhiệm để có một báo cáo chính thức. Ủy ban ATGT Quốc gia tham mưu cho Chính phủ vấn đề này, các thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia chịu trách nhiệm số liệu của báo cáo", ông Thọ đề xuất.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất, đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội tới có báo cáo bước đầu về vấn đề giám sát trật tự ATGT đường bộ để các đại biểu Quốc hội nắm được thông tin, thảo luận hiệu quả hơn về dự thảo Luật Đường bộ và luật Trật tự ATGT đường bộ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.