Phải chăng, VPF cho rằng nếu dùng bóng Thái, V-League sẽ nhanh chóng đuổi kịp Thái League? |
Vòng 1 V-League 2016 đã khép lại với không nhiều kết quả bất ngờ, đa phần những đội bóng mạnh hơn đều có được điểm số quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều các đội bóng và cầu thủ quan tâm hơn cả lại là quả bóng “made in Thái Lan”.
Theo quy định của Ban tổ chức, kể từ mùa giải 2016, V-League sẽ sử dụng bóng của hãng Grand Sport (Primero One +) thay vì bóng Động lực như suốt chục năm qua. Theo phản hồi từ các cầu thủ, HLV, bóng Primero One + thiếu độ nẩy và quỹ đạo bay kém ổn định.
Trước đó, dư luận từng đặt câu hỏi tại sao VPF lại phải sử dụng bóng của Thái Lan trong khi bóng Động lực từ năm 2004 đã được FIFA công nhận đạt chuẩn. Bóng Động lực cũng nhiều lần được góp mặt trong các giải đấu quan trọng của khu vực. Tức là nếu xét về chất lượng, Động lực không hề kém Primero One +. Phải chăng, VPF đánh giá bóng Thái Lan “xịn” hơn bóng Việt Nam và cho rằng nếu dùng bóng Thái, V-League sẽ nhanh chóng đuổi kịp Thái League?
Từ chuyện quả bóng lại ngẫm tới chuyện cả nền bóng đá. Thái League đi lên chuyên nghiệp sau nhưng lại nhanh chóng vượt mặt V-League. Bí quyết thành công của người Thái không phải nằm ở quả bóng Primero One + mà nằm ở tư tưởng. Mỗi vị lãnh đạo, mỗi đội bóng, mỗi cầu thủ của Thái League đều có ý thức làm bóng đá chuyên nghiệp thì ắt giải đấu sẽ chuyên nghiệp. V-League thì sao? Từ những nhà quản lý tới cầu thủ đều quá mơ hồ về hai chữ “chuyên nghiệp”. Thế nên, dù có thay bóng Động lực bằng bóng Nike, bóng Adidas…, V-League cũng chưa chắc đã đi lên.
Bao lâu nay chúng ta vẫn tự ti vì thua kém Thái Lan và luôn tâm niệm làm sao có thể đánh bại người Thái. Nói không ngoa khi cụm từ “đánh bại người Thái” đã ám ảnh bóng đá Việt Nam nhiều thế hệ. Cũng suốt quãng thời gian đó, bóng đá Việt Nam mải miết đi học tập Nhật Bản, Hàn Quốc… với hi vọng có một cuộc cách mạng giúp thay da đổi thịt nền bóng đá, hi vọng đánh bại được người Thái trong tương lai gần.
Chỉ có điều, tất cả vẫn chỉ tồn tại trên giấy tờ, thiếu hẳn thực tế. Kể cũng phải bởi Nhật Bản, Hàn Quốc khác quá xa so với bóng đá Việt Nam và không dễ để chúng ta học tập, làm theo. Từng có thời điểm nhiều chuyên gia kêu gọi hãy học Thái Lan chứ chả phải đi đâu xa. Thế nhưng, học không có nghĩa là copy - paste theo nghĩa đen.
Học chỉ tốt khi chúng ta biết lấy cái hay của bạn bù vào cái dở của mình để phát huy tối đa nội lực chứ không phải thấy cái gì của bạn cũng vội vơ về. Vì vậy, nếu đúng việc dùng bóng Thái Lan nằm trong tính toán của VPF nhằm đưa V-League bắt kịp Thái League thì chẳng khác nào đang kể chuyện hài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận