Sau vòng 4, Giải bóng đá vô địch quốc gia 2022 (Night Wolf V-League 2022) sẽ nghỉ khoảng 4 tháng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là quãng nghỉ quá dài.
Báo Giao thông trao đổi với ông Võ Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Phó Ban thường trực Ban Điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam về vấn đề này.
Ông Võ Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc VPF. Ảnh: VPF
“Bài toán khó với đơn vị tổ chức”
Vì sao V-League 2022 phải nghỉ dài như vậy, thưa ông?
Thực tế, kế hoạch thi đấu của mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2022 được xây dựng căn cứ trên những kế hoạch thi đấu của các đội tuyển quốc gia, kế hoạch tham dự các giải đấu AFC của các CLB.
Những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ năm 2021 đã dồn lịch thi đấu của cấp đội tuyển sang năm 2022, như SEA Games 31 được tổ chức tháng 5 tại Việt Nam, VCK U23 châu Á được tổ chức tháng 6 ở Uzbekistan.
Trước khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020, V-League có những quãng nghỉ nhưng không quá dài và chủ yếu vào các dịp FIFA Days.
VFF cũng rất sáng tạo khi FIFA Days không chỉ dành cho đội tuyển mà hội quân song song các lứa trẻ từ U19 tới U23, tạo điều kiện để các cầu thủ trau dồi, làm tiền đề cho thành công của bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế vài năm qua.
Ông Vũ Văn Hùng
Điều đó buộc các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2022 phải có các quãng nghỉ cho đội tuyển tập trung và cho CLB HAGL tham dự AFC Champions League từ ngày 15 - 30/4, CLB Viettel tham dự AFC Cup từ ngày 24 - 30/6.
Như ông nói, việc nghỉ dài là điều bất khả kháng. Trong khi hầu hết các nền bóng đá khác trên thế giới không làm vậy, lý do vì sao vậy?
Như tôi đã nói ở trên, việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng với những thay đổi về thể thức thi đấu cấp CLB của AFC (Vòng loại AFC Champions League và AFC Cup chuyển sang thi đấu tập trung tại 1 địa điểm trong thời gian dài) cùng với những quy định trong sắp xếp lịch thi đấu hiện nay, khi V-League và Giải hạng Nhất trở lại thể thức thi đấu cũ (vòng tròn 2 lượt), thực sự là một bài toán khó đối với đơn vị tổ chức giải đấu là VPF.
Để có một giải pháp hài hòa, đảm bảo cân bằng giữa kế hoạch của đội tuyển quốc gia và kế hoạch của các giải bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta bắt buộc phải đưa ra sự lựa chọn.
V-League được xem là nền móng vững chắc đóng góp cho thành công của các đội tuyển, nhưng thành công của đội tuyển lại là thước đo cho chất lượng của V-League.
Nói cách khác, chỉ khi đội tuyển được tạo điều kiện giành thành tích tốt, V-League mới nâng cao được vị thế.
Chất lượng chuyên môn của giải đấu liệu có bị ảnh hưởng khi đại đa số cầu thủ nghỉ quá dài, ngoại trừ nhóm tuyển thủ và nhân sự 2 CLB thi đấu cúp châu Á?
Quãng nghỉ của giải đấu đã được VPF và các CLB thảo luận và thống nhất. Bởi vậy, các CLB cũng chủ động có những kế hoạch tận dụng tối đa quãng nghỉ để trau dồi lực lượng, cũng như điều chỉnh, thử nghiệm chuẩn bị cho giải đấu trở lại.
Đối với Ban điều hành giải, quãng nghỉ là thời gian để chấn chỉnh và khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Nhìn ở khía cạnh tích cực, hãy xem quãng nghỉ là cơ hội, chứ không phải là khó khăn.
Thực tế cũng cho thấy, V-League diễn ra hấp dẫn, bùng nổ sau quãng nghỉ dài vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020, vì đội bóng, cầu thủ lẫn cổ động viên đều háo hức.
V-League khó xếp lịch theo FIFA Days
V-League 2022 sẽ có quãng nghỉ khoảng 4 tháng trước khi trở lại. Ảnh: VPF
Nhìn bao quát hơn, trong những năm qua, V-League luôn phải “chạy theo” đội tuyển để xếp lịch, dẫn tới bị động. VPF có nghĩ tới phương án sẽ làm việc với VFF để cân đối lại, dành sự ưu tiên nhất định cho V-League?
Khi sắp xếp lịch hiện nay thì VFF và VPF đều đang cố gắng để có kế hoạch thi đấu hài hòa nhất, cân bằng lợi ích cho các giải đấu.
Việc phải đảm bảo quỹ thời gian cho tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia vẫn luôn được chú trọng, cân đối với lịch của đội tuyển. Nếu các giải chuyên nghiệp chệch choạc, rất khó để các đội tuyển đạt thành tích cao.
Ở hầu hết các nền bóng đá phát triển, giải vô địch quốc gia chỉ dừng vào lịch FIFA Days (quãng nghỉ theo lịch FIFA để đội tuyển quốc gia tập trung, thi đấu), V-League liệu có cơ sở để thực hiện điều tương tự?
V-League rất khó thực hiện triệt để theo lịch FIFA bởi ngoài FIFA Days thì chúng ta còn bị ràng buộc bởi lịch thi đấu các giải trong hệ thống AFC và AFF. Trong điều kiện bình thường sẽ không quá khó khăn bởi các giải thuộc AFC như VCK U23 châu Á, VCK Asian Cup, Asian Cup nữ thường diễn ra vào đầu năm.
Trong khi đó, các giải trong hệ thống AFF như AFF Cup, SEA Games thường diễn ra vào cuối năm. Nhưng dịch bệnh khiến nhiều giải đấu khu vực, châu lục bị dồn lại và chúng ta phải thích ứng. Không chỉ V-League của chúng ta mà nhiều giải đấu khác trong khu vực cũng có sự điều chỉnh tương tự.
Đồng ý rằng đội tuyển Việt Nam cần được tạo điều kiện nhưng V-League vẫn phải nhường chỗ cho các giải trẻ U23, theo ông phải chăng nguồn cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ kế cận tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang hạn chế?
Chúng ta đều biết công tác đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam thời gian qua đã có nhiều phát triển. Bằng chứng là Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công ở các giải trẻ quốc tế. Ngay tại V-League, số lượng cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi được đăng ký thi đấu mỗi mùa cũng đều tăng lên.
Tuy nhiên, U23 Việt Nam thường nhặt quân không đều. Có những đội bóng được lấy 5 - 6 cái tên, mà gần như toàn là trụ cột, như vậy nếu thi đấu thì thiệt thòi cho CLB.
Những đội bóng nước ngoài có thể từ chối nhả người cho đội tuyển nếu không trùng lịch FIFA nhưng các đội bóng Việt Nam thì không, bởi như vậy sẽ bị người hâm mộ lên án.
Bên cạnh đó, thời điểm diễn ra các giải đấu khu vực, dù là lứa U23, dư luận sẽ đổ dồn sự chú ý cho đội tuyển. V-League nếu có lăn bóng cũng nhận được ít sự quan tâm của người hâm mộ và truyền thông, như vậy vô hình trung làm giảm giá trị hình ảnh giải đấu. Thế nên, phương án xếp lịch so le vẫn là tối ưu.
Cảm ơn ông!
Ngày 13/3, vòng 4 V-League 2022 đã tạm khép lại. Tới đây sẽ diễn ra 2 trận đấu bù giữa Hà Nội FC và Thanh Hoá (vòng 1) vào ngày 16/3, Hà Nội FC gặp Viettel (vòng 2) vào ngày 4/4. Sau vòng đấu bù, vòng 5 mới được tổ chức trở lại vào ngày 2/7.
Sở dĩ V.League 2022 phải nghỉ dài là bởi phải nhường thời gian cho các ĐTQG và các CLB làm nhiệm vụ quốc tế.
Trong đó, ĐTQG Việt Nam sẽ thi đấu 2 trận cuối tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á gặp Oman (ngày 24/3) và Nhật Bản (ngày 29/3).
Còn U23 Việt Nam sẽ tham dự giải U23 Dubai từ ngày 23 - 29/3 tại Dubai (UAE), SEA Games 31 từ ngày 12 - 23/5 tại Việt Nam và VCK U23 châu Á 2022 từ ngày 1 - 19/6 tại Uzbekistan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận