Mỹ có thể hỗ trợ Triều Tiên về vaccine, vật tư y tế cho cuộc chiến phòng dịch bệnh Covid-19 để mở cửa đàm phán song phương. Ảnh:AFP
Tuy quan hệ Mỹ - Triều Tiên được dự báo sẽ căng thẳng hơn sau khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhưng nếu chính quyền mới ở Nhà Trắng thực sự muốn đưa hai bên ngồi lại bàn đàm phán, vẫn còn nhiều cơ hội tiềm năng có thể tận dụng.
“Căng thẳng sẽ vẫn tiếp diễn”
Theo hãng tin Reuters ngày 12/1, tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ VIII, bên cạnh tuyên bố tiếp tục coi Mỹ là đối thủ hàng đầu, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un còn ra lệnh củng cố kho vũ khí hạt nhân, liệt kê danh sách những thiết bị tiên tiến mà ông muốn phát triển.
Cụ thể, danh sách này bao gồm vũ khí có gắn nhiều đầu đạn hạt nhân, tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm, vệ tinh do thám và tàu ngầm hạt nhân.
Dưới con mắt của các nhà phân tích như TS. Malcolm Davis, đến từ Viện Chính sách chiến lược Australia, động thái trên cho thấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn thể hiện quan điểm kiên quyết: “dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bình Nhưỡng cũng không phi hạt nhân”.
“Từ việc công bố hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-16 ICBM trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 10 cho đến bài phát biểu này, lãnh đạo Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng quyết tâm duy trì vũ khí hạt nhân”, ông Davis phân tích.
Theo TS. Davis, dù ông Kim Jong-un vẫn mở ngỏ cửa ngoại giao với Mỹ nhưng “cái giá” để đàm phán và đạt thoả thuận mà nhà lãnh đạo này đưa ra với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn rất cao: Vừa phải chấm dứt tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, vừa phải dỡ bỏ trừng phạt, ngừng chỉ trích vấn đề nhân quyền.
“Do đó, thế giới nên chuẩn bị sẵn tâm lý cho một thời kỳ căng thẳng nữa giữa Washington và Bình Nhưỡng chuẩn bị tiếp diễn”, ông Davis đưa ra nhận định.
Giải pháp mới cho ông Biden?
Để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống tương lai của Mỹ Joe Biden có thể tiếp tục chính sách kiên nhẫn với chiến lược từng được Nhà Trắng kiên trì áp dụng dưới thời ông Barack Obama.
Trong đó, Mỹ tiếp tục củng cố quan hệ ngoại giao với các đồng minh trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. “Bước đi này sẽ tăng cường niềm tin của các đồng minh với cam kết của Washington trước thách thức hạt nhân Triều Tiên”, nhà phân tích Davis cho biết.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia như TS. Kee B. Park, Giám đốc Dự án Chính sách Y tế Hàn Quốc (thuộc Khoa y Đại học Havard), Giám đốc chương trình Triều Tiên tại Hiệp hội Y tế Mỹ - Triều và bà Katharine H.S. Moon, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Wellesley, dựa trên bối cảnh hiện tại, chính quyền ông Joe Biden có thể áp dụng một phương án rất mới đó là “ngoại giao Covid” để mở cánh cửa đàm phán với Triều Tiên.
Đến thời điểm này, Triều Tiên chưa xác nhận bất cứ ca nhiễm virus Covid-19 nào. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và quan hệ giao thương giữa Bình Nhưỡng với Trung Quốc, nơi dịch Covid-19 bùng phát, giới quan sát vẫn nghi ngờ khả năng nước này khó tránh khỏi dịch bệnh.
Do đó, Mỹ có thể khởi động chiến dịch “ngoại giao Covid” với Triều Tiên bằng cách hỗ trợ chương trình thử nghiệm quy mô lớn, nâng cấp năng lực chữa bệnh và tiếp cận vaccine Covid-19.
“Hiện tại, cơ chế trừng phạt của Mỹ và quốc tế đối với Triều Tiên vốn được thiết kế để áp dụng trong thời điểm bình thường, không nên dập khuôn trong thời kỳ khủng hoảng y tế cộng đồng toàn cầu như hiện nay”, bà Katharine H.S. Moon nói.
Tháng 6/2020, đặc phái viên LHQ về nhân quyền tại Triều Tiên từng báo cáo lên Hội đồng nhân quyền LHQ, kêu gọi quốc tế nới lỏng các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng để đảm bảo nguồn cung thực phẩm.
Quan chức này nhấn mạnh, lệnh trừng phạt hiện tại gây ra nhiều tác động bất lợi đối với quyền đảm bảo xã hội và kinh tế cơ bản của Triều Tiên. Nhưng để thay đổi cơ chế trừng phạt hiệu quả, điều cần thiết là phải có “cái gật đầu” từ Mỹ.
Ngoài ra, Washington có thể hỗ trợ Triều Tiên qua liên minh vaccine toàn cầu Gavi - một tổ chức mà Triều Tiên có quan hệ hợp tác lâu năm, đồng tài trợ và thực hiện nhiều chương trình tiêm chủng vaccine toàn quốc thành công trong quá khứ.
Bình Nhưỡng đã quen với những thủ tục của Gavi cũng như đủ điều kiện để tham gia chương trình vaccine Covid-19 của Gavi (gọi tắt là Gavi-COVAX) và chắc chắn không muốn bị bỏ lại phía sau. Như vậy, chính quyền ông Biden có thể thể hiện thiện chí bằng cách tham gia vào chương trình Gavi-COVAX và tài trợ vaccine khi có sẵn.
Với những hứa hẹn hỗ trợ vật tư y tế, vaccine, nới lỏng trừng phạt nhân quyền, Bình Nhưỡng rất có thể sẵn sàng phối hợp với các tổ chức cứu trợ nước ngoài, mở cửa đất nước cho hàng hoá và hoạt động đi lại cần thiết. Từ đó, triển vọng nối lại quan hệ Mỹ - Triều sẽ sáng sủa hơn.
Theo các chuyên gia, chiến lược “ngoại giao Covid” của Mỹ với Triều Tiên sẽ vừa giảm thiểu mối đe dọa từ Covid-19, vừa kiềm chế xung đột hạt nhân. Đây là điều không riêng Mỹ hay Triều Tiên mà cả thế giới đều mong đợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận