Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trên người
Hôm nay 4/1, ĐH Y Hà Nội sẽ họp về triển khai các bước của thử nghiệm lâm sàng với vaccine Covivac. Đây là sản phẩm của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC), đã được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... và cho kết quả tạo được miễn dịch cao trên động vật.
Theo kế hoạch, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vaccine. Quy trình tiêm thử nghiểm trên người sẽ làm tương tự vaccine thứ nhất Nanocovax, chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau và được thử với nhiều nhóm đối tượng và qua ba giai đoạn. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1mcg, 3mcg và mỗi đối tượng tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày.
So với kế hoạch ban đầu, giai đoạn tiêm thử nghiệm này đã rút ngắn khoảng 2 tháng.
Được biết, IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi để thực hiện quy trình sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tương tự vaccine cúm A/H5N1.
Theo TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, vaccine Covivac đã được đánh giá tại Mỹ và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Kết quả đánh giá rất khả quan, vì thế nhà sản xuất và Bộ Y tế đã cùng dự định đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm trên người sớm hơn, dự kiến vào ngày 21, 22/1 tới. Cuộc thử nghiệm sẽ thực hiện tại Đại học Y Hà Nội.
Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vaccien và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN).
Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 (Nanocovax) trên người từ ngày 17/12/2020 và đã tiêm 2 liều (25mcg và 50mcg trên người tình nguyện); hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận