VAFI vừa đề xuất cổ phần hoá một số BV đầu ngành và nhiều giải pháp cải tổ hệ thống BV công lập |
Suất đầu tư cao, thuốc đắt, tốn nhiều thời gian, chi phí không chính thức
Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) vừa gửi đề xuất giải pháp cải tổ hệ thống BV công lập lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Mục đích của đề xuất cải tổ nhằm hướng đến mục tiêu toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập đảm bảo khám chữa bệnh cho 100% người dân có bảo hiểm y tế nhà nước, chỉ với giá dịch vụ thấp nhất (so với bệnh viện ngoài hệ thống công lập) và tuân theo giá dịch vụ do nhà nước qui định.
Theo đánh giá của VAFI, mặc dù ngành y tế có nhiều bước chuyển mình tích cực nhưng vẫn còn một số tồn tại, tiêu cực trong hệ thống bệnh viện công lập từ nhiều năm nay mà chưa tìm ra phương thuốc cứu chữa.
Cụ thể như: Suất đầu tư cho cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị rất cao, có khi gấp đôi so với khu vực tư nhân. Điều đáng nói là chất lượng xây dựng công trình, và có thể bao hàm chất lượng máy móc thiết bị kém. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới giá viện phí và lãng phí tới sự bao cấp vốn lớn của nhà nước.
Giá thuốc mua vào rất đắt do thiếu cơ chế đấu thầu công khai minh bạch và chuyên nghiệp, sẽ làm cho giá viện phí tăng lên hay chất lượng phục vụ sẽ giảm theo.
Người bệnh vào bệnh viện khám chữa bệnh, ngoài các chi phí chính thức như viện phí, tiền mua thuốc thì còn phải chịu nhiều chi phí không chính thức như tiền phong bì, chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến...
Chất lượng phục vụ người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức… cũng đang có nhiều vấn đề bởi cơ chế thu nhập hiện hành, tiêu cực trong việc tuyển dụng đề bạt, cơ chế quản lý bệnh viện chưa chuyên nghiệp.
Ngoài ra, các bệnh viện lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thường trực quá tải do khám chữa bệnh vượt tuyến. Như vậy, có 1 khoảng cách rất lớn về chất lượng khám chữa bệnh, năng lực trình độ của bác sỹ giữa thành thị và nông thôn.
Phải công khai tài chính như doanh nghiệp niêm yết?
Theo đề xuất của VAFI, cần phải thực hiện 1 cuộc Cách mạng trong ngành y tế. Theo đó hệ thống các giải pháp cải tổ hệ thống công lập cần thực hiện theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Nhanh chóng chuyển toàn bộ bệnh viện Nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như doanh nghiệp niêm yết, phải thực hiện kiểm toán hàng năm, phải có hội đồng quản trị và có ban kiểm soát.
Giai đoạn 2: Cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành như BV Bạch Mai, Việt Đức, BV K, BV Phụ sản TW, BV Nhi đồng, BV Chợ Rẫy… và các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Sau đó, hình thành nên các Tập đoàn bệnh viện có cổ phần nhà nước chiếm đa số tuyệt đối (trên 65% vốn điều lệ), mang thương hiệu Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… xuống tận cấp huyện. Người dân ở nông thôn khi đó chỉ cần tới chi nhánh BV Bạch Mai, Chợ Rẫy , Việt Đức…đóng tại huyện mình khám bệnh, thay vì phải vất vả vượt tuyến.
Theo đề xuất của VAFI, chính sách cổ phần hóa bệnh viện phải có đặc thù để vẫn đảm bảo chính sách an sinh của nhà nước cho toàn thể người dân, cho 100% đối tượng bảo hiểm y tế, cho người nghèo và cho các nhiệm vụ chính trị cấp bách.
Giai đoạn 3: Sau khi cổ phần hóa thành công khoảng 30 bệnh viện lớn nhất của cả nước, hình thành lên các tập đoàn bệnh viện nhà nước hoạt động trên phạm vi cả nước hay vùng lãnh thổ, sẽ tiếp tục sáp nhập các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện...
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, cuộc cách mạng cải tổ này sẽ làm thay đổi sâu sắc chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của hệ thống bệnh viện công lập, nâng cao chất lượng các nhà cung cấp dịch vụ y tế như cung cấp thuốc, thiết bị y tế, thay đổi cơ chế quản trị bệnh viện từ cơ chế hành chính, quan liêu bao cấp sang cơ chế minh bạch, tự chủ và chuyên nghiệp…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận