Với lái xe, doanh nghiệp vận tải đó là những câu chuyện liên quan đến thiếu công bằng, nơi phạt, nơi không, nơi siết, nơi buông lỏng. Rồi đâu đó là câu chuyện của những đoàn “xe vua” với những đặc quyền, đặc lợi kiểu “bất khả xâm phạm”.
Cần phải nhấn mạnh rằng, không phải bây giờ chúng ta mới nhắc đến chuyện xe quá tải phá đường hay nói cách khác, lực lượng chức năng chắc chắn không hề lạ lẫm với tình trạng xe quá tải. Thế nhưng, ở không ít tỉnh, thành, địa phương, những thương hiệu VIP, những danh sách biển số xe có “quan hệ” với các “sếp” lớn, hay nói cách khác được các sếp bảo kê đã được truyền tai, đố ai dám đụng. Lực lượng chức năng có biết xe vi phạm cũng đành phải... làm lơ. Chính vì thế mới có, xe quá tải đến mắt người thường cũng phát hiện được vậy mà vẫn vô tư đi qua chỗ lực lượng chức năng đứng làm nhiệm vụ.
Cùng với chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” này thì việc “có tiền mua... tiên cũng được” đã khiến nhiều người lo lắng việc xử lý xe quá khổ, quá tải sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Một số người cho rằng, khó có thể quản lý nổi xe quá tải do lực lượng mỏng, phương tiện kỹ thuật thiếu, chặn đường này, xe lách đường khác. Lo ngại này không phải không có cơ sở, nhưng chắc chắn chưa phải là vấn đề cốt lõi. Điều quan trọng nhất cho bất kỳ một nỗ lực xử lý vi phạm nào chính là sự nghiêm minh của chính các lực lượng chức năng. Cơ quan chức năng, chính quyền không ít địa phương thực tế đã tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức ngăn chặn, xử lý xe quá tải nhưng các vi phạm vẫn còn đó. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận còn đó nạn mãi lộ, chung chi dọc đường.
Xe quá khổ, quá tải phá đường chắc chắn sẽ chỉ còn là kỷ niệm của một “thời xa xưa đó” nếu không còn đó các đoàn “xe vua”, “xe VIP” cậy thế làm càn, nếu lực lượng chức năng đủ dũng cảm vượt qua được sự cám dỗ của “đồng tiền bẩn” đã và đang được rải dọc đường.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận