Thế giới

Vẫn còn lối thoát cho khủng hoảng thương mại Mỹ - Trung

10/04/2018, 07:25

Tuần qua, xung đột thương mại Mỹ - Trung đã lên tới cao trào khi cả hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh...

30

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tuần qua, xung đột thương mại Mỹ - Trung đã lên tới cao trào khi cả hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh đều đưa ra các hành động leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, vẫn còn một lối thoát cho xung đột thương mại này.

Đưa vụ việc lên WTO

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi công bố kết quả điều tra theo Điều khoản 301 về các hoạt động vi phạm sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ của Trung Quốc.

USTR cho rằng, Trung Quốc đã thực hiện chính sách “buộc chuyển giao công nghệ không công bằng, phân biệt và hạn chế đầu tư” với các quy định như: “Các hợp đồng chuyển giao công nghệ phải có thời gian thực hiện ít nhất 10 năm và cho phép bên liên doanh của Trung Quốc được sử dụng công nghệ này vĩnh viễn sau khi hợp đồng đã hết hạn”, hay “chủ sở hữu nước ngoài không được phép ngăn cản các nhà cấp giấy phép của Trung Quốc cải tiến công nghệ và sở hữu những cải tiến đó”.

Tuy nhiên, theo Sourabh Gupta, một học giả thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ ở Washington, Mỹ dường như đã thất bại trong việc giải thích tại sao và như thế nào các chính sách và thực tiễn chuyển giao công nghệ của Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ của hiệp ước quốc tế, đặc biệt là các cam kết liên quan đến TRIPS - Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO.

Ông Gupta cho rằng, USTR đưa ra báo cáo điều tra về sở hữu trí tuệ hàng năm và Trung Quốc chính là quốc gia bị “soi kỹ”. Vì thế, nếu có những thiếu sót về mặt pháp lý đáng kể, thì USTR đã không phải đưa vụ việc lên WTO mà xử lý các trường hợp vi phạm như trong các lĩnh vực khác của luật thương mại đối với Bắc Kinh.

Theo ông Gupta, Mỹ không có một lý lẽ bền vững mà chính Mỹ cũng thừa nhận trong bản Báo cáo về chính sách thương mại năm 2018 của USTR rằng, nước này chỉ bị ràng buộc bởi các quyền của hiệp định và nghĩa vụ đã ký kết tại WTO.

Tương tự như vậy, các chính sách và thực tiễn về quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc không thể ràng buộc bất kỳ quyền hoặc nghĩa vụ bổ sung nào ngoài thỏa thuận TRIPS. Điều này có nghĩa, Trung Quốc đang làm tốt đối với các nghĩa vụ liên quan đến TRIPS và đó là quan điểm chính thức của Mỹ.

Nút thắt hòa giải

Sau nhiều tuyên bố cứng rắn từ cả hai nước Mỹ và Trung Quốc liên quan đến các biện pháp trừng phạt thương mại lẫn nhau, cuối tuần qua, các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump đã có những buổi phỏng vấn trên các kênh truyền thông xoay quanh xung đột này.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump nói trên Fox News rằng, ông ủng hộ việc áp thuế nếu đàm phán với Trung Quốc thất bại, nhưng cũng nhận định rằng, “chúng ta sẽ không kết thúc trong một cuộc chiến thương mại”. Còn Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói trên một chương trình của CBS rằng mục tiêu của Mỹ “là tiếp tục đàm phán với Trung Quốc”.

Ông chủ Nhà Trắng cũng thể hiện đồng quan điểm thông qua một tin nhắn trên Twitter rằng, ông tin tưởng một tương lai cho cả hai nước khi Trung Quốc tự nguyện giảm các rào cản thương mại, mức thuế có lợi cho cả hai bên và một hợp đồng về sở hữu trí tuệ sẽ được thực hiện.

Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ luôn là bạn của nhau, bất kể chuyện gì xảy ra với tranh chấp thương mại giữa hai nước.

Ngược lại, các nhà phân tích Trung Quốc cho biết, Trung Quốc vẫn coi đối thoại là con đường phía trước, nhưng Mỹ đã đòi hỏi quá nhiều và không công bằng khi phạt Trung Quốc trong khi miễn giảm thuế quan cho một số nước khác.

Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo cho rằng, trong trường hợp Mỹ xem xét trừng phạt thêm đối với 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì Bắc Kinh có nhiều “vũ khí” để lựa chọn, như tập đoàn hàng đầu về bán dẫn Qualcomm và nhà sản xuất máy móc khổng lồ Caterpillar có thể sẽ phải chịu sự kiểm tra chặt chẽ hơn về an ninh quốc gia và môi trường.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, có một lối thoát hòa giải trong vụ xung đột này, đó chính là khoảng thời gian 2 tháng trước khi mức thuế quan 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực.

Giáo sư Shi Yinhong của Đại học Renmin cảnh báo, “nếu các quan chức Trung Quốc và Mỹ không liên lạc trước thời hạn đó thì sẽ là một thất bại ngoại giao mang tính lịch sử”. Tuy nhiên, hiện có quá ít sự tin tưởng giữa Trung Quốc và Mỹ và cho rằng Trung Quốc không rõ liệu Mỹ có thực sự muốn đàm phán hay không.

Còn cựu Thứ trưởng Wei lạc quan cho rằng, phát ngôn mới nhất của Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập đến việc Trung Quốc từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán trong tương lai. “Mỹ không nên mong đợi sự thỏa hiệp quá lớn từ Trung Quốc. Phải có thời gian để hai bên đàm phán trước tháng 6”, ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.