Biển người chen lấn tại lễ hội chùa Hương. |
PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT&DL) về những tồn tại vẫn diễn ra trong mùa lễ hội năm nay.
Cướp lộc, biểu hiện lệch lạc, mù quáng về tâm linh
Mùa lễ hội năm 2017 đã bắt đầu, nhưng có không ít các hình ảnh phản cảm vẫn diễn ra như: Tranh cướp lộc tại chùa Hương, ẩu đả, ăn mặc hở hang, xả rác bừa bãi, chen lấn, giẫm lên cỏ, trèo tường... bà nói sao về việc này?
Nhìn chung, hoạt động lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu năm 2017 diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa, từ lễ hội có quy mô lớn đến các lễ hội quy mô nhỏ trong phạm vi làng, xã, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, linh thiêng, thành kính, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, những hạn chế từ những mùa lễ hội trước đến nay cơ bản đã được khắc phục.
Tuy nhiên, có một số lễ hội vẫn còn xảy ra hiện tượng tranh cướp lộc, nguyên nhân do ý thức của một số người tham dự lễ hội có những hành động bột phát, theo tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết về ý nghĩa lễ hội, về giá trị tín ngưỡng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó là biểu hiện lệch lạc, thậm chí là “mù quáng” về tâm linh, sự thái quá về niềm tin với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc, cầu danh lợi nên nhiều người giành giật, tranh cướp dẫn đến những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm.
Được biết, Bộ VH,TT&DL, Cục Văn hóa cơ sở đã trực tiếp hoặc yêu cầu các địa phương có giải pháp chấn chỉnh song tình trạng xô bồ, bạo lực vẫn diễn ra tại một số lễ hội. Theo bà nguyên nhân vì sao? Có phải chúng ta không tổ chức tốt, dự đoán trước được những tình huống bất ngờ xảy ra?
Ngay từ cuối năm 2016, Bộ VH, TT&DL đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017. Các địa phương đã kịp thời triển khai thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng, Nhà nước và văn bản chỉ đạo của Bộ VH, TT&DL; Chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các phương án đảm bảo an toàn, ANTT, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tham gia lễ hội, hạn chế thấp nhất những tình huống phản cảm, không đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Như tôi đã nói ở trên, nguyên nhân xảy ra những hành vi không đẹp như tranh cướp lộc là do ý thức của một số người tham dự lễ hội có những hành động bột phát, theo tâm lý đám đông.
Khai ấn, phát ấn phải đúng với gốc tích của lễ hội
Thực trạng nhiều lễ hội đua nhau khai ấn, phát ấn như: Lễ Khai bút, khai ấn ở Quảng Ninh, đền thờ Quang Trung (Nghệ An), đền Trần, đền Bảo Lộc (Nam Định), đền Linh Từ ở Tràng Kênh (Hải Phòng), đền Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) khiến không ít nhà nghiên cứu, văn hóa ví như “một thứ dịch”, thậm chí là một kiểu “kinh doanh tâm linh”... Ý kiến của bà như thế nào?
Việc tổ chức lễ hội khai ấn, phát ấn phải đúng với gốc tích của lễ hội, phải được cơ quan chuyên môn thẩm định và công nhận trong hồ sơ xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Với những gì diễn ra, bà nhận định xu hướng lễ hội trong năm nay sẽ như thế nào?
Ở nhiều lễ hội, việc tuyên truyền, giới thiệu về di tích, lễ hội còn mang tính hình thức, đơn điệu, chưa hấp dẫn để du khách hiểu về các giá trị lịch sử văn hóa của di tích, công trạng của nhân vật thờ tự và ý nghĩa của lễ hội cũng như cách thực hành nghi lễ, dâng lễ vật đảm bảo tính trang nghiêm, thành kính.
Các lễ hội truyền thống ngày càng kém hấp dẫn trước sự bùng phát mạnh mẽ của các loại hình lễ hội mới có nguồn gốc du nhập từ nước ngoài được tổ chức ở Việt Nam.
Đăng ký qua mạng để mua ấn khiến phát ấn không còn ý nghĩa
Với những lễ hội vẫn còn mang tính phản cảm, Cục Văn hóa cơ sở sẽ có những biện pháp gì để chấn chỉnh?
Cục Văn hóa cơ sở đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và du khách về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Dần loại bỏ những tập tục mang tính phản cảm, bạo lực không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội.
Có ý kiến cho rằng, để không còn những hình ảnh xấu xí trong lễ hội, chúng ta cần quản lý, tổ chức và giám sát tốt hơn. Đặc biệt, những lễ hội chém lợn, chọi trâu nên chuyển thành lễ hội bắt lợn, cưỡi trâu... mang tính lành mạnh, vui xuân. Hay như việc phát ấn, có thể để người dân đăng kí qua mạng. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
Đối với những lễ hội vẫn duy trì các tập tục không còn phù hợp, Bộ VH, TT&DL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, khuyến khích bà con tổ chức các lễ hội mang tính nhân văn hơn.
Đầu năm 2017, các lễ hội có một số tập tục mang yếu tố bạo lực thời gian trước, không phù hợp với xu thế thời đại đã có sự chuyển biến rõ rệt: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn công khai giữa sân đình; Hội Đả cầu, cướp phết ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành, trình diễn nghi lễ.
Tuy nhiên, không phải cái gì cũng có thể cách tân, thay đổi nhanh chóng tập tục của bà con. Với tôi, việc phát ấn mà cho đăng ký qua mạng để mua thì không còn ý nghĩa của việc xin ấn cầu may, cầu bình an.
Bộ VH, TT&DL đã từng thông báo rộng rãi việc chấm điểm địa phương tổ chức lễ hội nếu điểm thấp quá là không cho tổ chức nữa. Việc này đến nay ra sao thưa bà?
Hình thức chấm điểm địa phương tổ chức lễ hội đã phát huy được hiệu quả; Công tác tổ chức lễ hội của các địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Chúng tôi cũng coi đây là một căn cứ để xem xét bình xét thi đua khen thưởng công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở địa phương.
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận