Chiều 30/3, Tọa đàm, giao lưu trực tuyến: “Vận dụng Y học cổ truyền trong phòng chống dịch bệnh do virus” đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về y học cổ truyền tại Hà Nội.
Tại buổi toạ đàm, trả lời câu hỏi về việc sử dụng thảo mộc vào phòng chống dịch Covid-19 đã có những kết quả và tác dụng như thế nào, TS.Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, hiện nay, tại Trung Quốc, 85% số lượng bệnh nhân bị dương tính Covid-19 được phối hợp y học cổ truyền trong điều trị và những trường hợp này đều cho những kết quả rất tốt.
Nhiều công trình nghiên cứu tại Trung Quốc và nhiều bài thuốc của Trung Quốc đã vào cuộc. Chính vì vậy, tại Vũ Hán và các tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Khi Italia bị dịch bệnh mất kiểm soát, họ đã nhờ các chuyên gia y tế của Trung Quốc sang. Các chuyên gia của TQ cũng tư vấn cho Italia về việc sử dụng thảo dược trong điều trị. Hiện nay, nhiều công ty của Ý đã nhập những thảo dược này để phối hợp với Tây y trong kiểm soát dịch bệnh tại Ý.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có những nghiên cứu cụ thể trên người bệnh nhưng ngày 17/3, Bộ Y tế đã ra Công văn 1306/BYT-YDCT chỉ đạo đưa y học cổ truyền phối hợp y học hiện đại trong phòng, chống dịch, đã đưa ra được phác đồ điều trị cho các giai đoạn của bệnh và phác đồ phục hồi một cách toàn diện theo phác đồ và kinh nghiệm điều trị của y học cổ truyền Việt Nam.
Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh tác dụng của y học cổ truyền trong phòng, chống bệnh do virus. Đáng kể đến có công trình nghiên cứu tác động của 9 loại thảo mộc trong việc tăng cường sức đề kháng, thanh lọc cơ thể của Viện Y học ứng dụng Việt Nam năm 2017.
Phân tích cụ thể hơn về tác dụng của y học cổ truyền trong phòng, chống bệnh do virus, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện Trưởng Viện Y Học ứng dụng Việt Nam cho biết thêm: Đông y có những điểm mạnh riêng. Thứ nhất, có những bài thuốc kìm hãm phát triển vi khuẩn tại chỗ. Ví dụ những bài thuốc sát trùng, kìm hãm sự phát triển tại họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp.
Một số bài thuốc để tăng cường sức khỏe miễn dịch chung. Tác dụng của những bài này thường chậm, nhưng chắc trong việc nâng cao tình trạng sức khỏe chung, đặc biệt trong giai đoạn nhẹ hoặc giai đoạn phục hồi bệnh. Nếu giai đoạn nặng, có biến chứng về phổi, tim mạch, suy các tạng khác, lúc đó Đông y không can thiệp được, mà phải có sự can thiệp của Tây y.
PGS. TS. Hồ Bá Do - Phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam thì cho rằng sử dụng các thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền hỗ trợ điều trị bệnh do Virus đường hô hấp nói chung và do dịch Covid-19 nói riêng là điều hết sức cầng thiết vì bệnh này hiện nay chưa có thuốc kháng điều trị virus đặc hiệu.
Ông Do cho rằng, hầu hết bệnh tật của con người mắc nhẹ hay mắc nặng quyết định bởi sự chống dỡ cơ quan miễn dịch của cơ thể (sức đề kháng, sức chống đỡ của cơ thể).
Trong khi đó, phương pháp y học cổ truyền đối với các tác nhân do virus đường hô hấp (ôn bệnh, ôn dịch) luôn đề cập tác động nâng cao sức đề kháng của cơ thể (chính khí) chính khí mạnh, tà khí (vi khuẩn, virus) không nhập được.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý người dân nên áp dụng các bài thuốc của Bộ Y tế đã liệt kê, khi dùng nhớ đúng hướng dẫn của thầy thuốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận