Tân binh phấn khởi lên đường nhập ngũ - ảnh doanthanhnien.vn |
Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày trước QH chiều nay (3/11) cho biết, trước yêu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các quy định của Luật nghĩa vụ quân sự về đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ; độ tuổi gọi nhập ngũ; đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình...đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập.
Một số quy định không còn phù hợp thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng quân đội. Do đó, việc sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự là cần thiết. Theo đó, Dự án Luật 8 chương và 60 điều.
Liên quan đến quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ (Điều 21), theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, để bảo đảm đủ thời gian huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, giáo dục chính trị, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân, kỹ năng khai thác và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và giảm chi phí ngân sách, thời gian huấn luyện nâng cao chất lượng quân nhân dự bị, dự án Luật quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng, thay vì 18 tháng như hiện nay.
Trong khi đó, về độ tuổi gọi nhập ngũ (Điều 32), Tờ trình cho biết, Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi nên hằng năm tỷ lệ công dân có trình độ ĐH trở lên tham gia thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ thấp. Vì phần lớn công dân khi hoàn thành chương trình ĐH đã bước vào tuổi 25, có một số ngành học khi hoàn thành chương trình ĐH thì công dân đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ.
Mặt khác, số công dân đã hoàn thành chương trình ĐH hệ chính quy nhưng không thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ (do hết độ tuổi), thì lại được nhà nước ưu tiên cho tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ để học tập. Trong khi đó, những công dân không có điều kiện hoặc chưa có điều kiện để tham gia học tập chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy ngay từ khi đủ 18 tuổi lại phải thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ đã phần nào tạo ra sự không công bằng giữa các công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.
"Vì vậy, ngoài việc quy định: “Công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi”, dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) đã bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đối với công dân học chương trình đào tạo ĐH đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi", người đứng đầu Bộ Quốc phòng cho hay.
Còn về quy định Đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình (Điều 41), theo cơ quan soạn thảo, Luật hiện hành quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với đối tượng là HS, SV còn quá rộng, làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng quân đội.
Vì vậy, dự án Luật đã quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, SV đào tạo ĐH chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân: “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”; quy định rõ hơn đối với trường hợp công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.
Đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ. Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ sẽ được tiếp nhận để học tập.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - an ninh do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Kim Khoa trình bày sau đó cũng cơ bản thống nhất với các nội dung tờ trình của Chính phủ về độ tuổi gọi nhập ngũ; thời gian phục vụ tại ngũ.
Về đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, theo ông Nguyễn Kim Khoa, đa số ý kiến nhất trí với quan điểm chung là cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, nhằm tạo điều kiện cho công dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; do đó đề nghị Ban Soạn thảo cần rà soát các đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận