Văn học mạng giúp tác giả thoải mái trong việc chỉnh sửa bản thảo |
Chỉ thích đọc truyện tình yêu, tình cảm
Lê Ngọc Mẫn (tác giả của hai cuốn sách Người đi bán nắng và Trái đất tròn, lòng người góc cạnh) nổi tiếng trên các diễn đàn và cũng là admin (người quản trị) hai diễn đàn văn học mạng cho biết, trong suốt quãng thời gian tiếp xúc cô nhận thấy trên mặt bằng chung văn học mạng chủ yếu là các tác phẩm tự phát, được viết bởi một số tác giả trẻ chưa có kinh nghiệm, chưa đủ kiến thức và vốn sống… Đề tài văn học mạng hiện nay chủ yếu là về tình yêu. Phần lớn độc giả mạng đọc về tình yêu nhiều hơn so với đề tài gia đình, xã hội….
Hân Như, tác giả trẻ từng gây sốt với tiểu thuyết Chỉ có thể là yêu, được chuyển thể thành phim truyền hình, đồng thời cũng là một admin trên một diễn đàn chuyên về truyện Trung Quốc cho rằng, những người đọc văn học mạng chủ yếu là người trẻ và họ chỉ thích đọc về tình yêu.
"Mạng Internet là thành tựu lớn của văn minh nhân loại và có ưu thế trong việc đăng tải, quảng bá tác phẩm văn học. Vì thế, các bạn trẻ hãy sử dụng mạng có ý thức để sáng tác nên các tác phẩm văn học có giá trị. Tuy nhiên, Internet cũng chỉ là công cụ hỗ trợ, cái người viết trẻ cần đó là sự đam mê và vốn sống thực tế phong phú”. |
Theo Hân Như, tiểu thuyết ngôn tình hiện là “đặc sản” của văn học mạng Trung Quốc. “Ngôn” là ngôn ngữ, “tình” là tình yêu. “Ngôn tình”, rất dễ hiểu, là thể loại văn chương dùng ngôn ngữ chỉ để nói về tình yêu. Có hàng chục thể loại ngôn tình, ví dụ: Xuyên không (nhân vật vượt giới hạn thời gian - không gian), cung đấu (đấu đá, tranh đoạt trong cung đình), huyền huyễn (truyện có yếu tố phép thuật, kỳ ảo), võng du (truyện miêu tả song song cuộc sống ảo trên mạng và ngoài đời thực của nhân vật), đam mỹ (truyện về tình yêu đồng tính nam)…
“Cốt truyện của các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đều như nhau, nên hiện tại nó đã gây nhàm chán với nhiều bạn đọc. Vì thế, đang có xu hướng hướng tới các tác phẩm mới hơn ở Việt Nam”- Hân Như cho biết.
Nhận xét về dòng văn học mạng Việt Nam thì Hân Như cho rằng: Đề tài các tác giả trẻ Việt Nam tìm đến rất đa dạng: Từ chuyện tình yêu tới tình cảm bạn bè, gia đình, chuyện ngoại tình… Tuy nhiên, chất lượng các tác phẩm văn học mạng không đồng đều. Bên cạnh những tác phẩm có chiều sâu triết lí, được đầu tư kỹ lưỡng về vốn hiểu biết, vốn sống thì vẫn còn nhiều những tác phẩm chạy theo thị trường, rẻ tiền, nông về tư duy, hạn hẹp về vốn sống. Nguyên nhân do các tác giả nóng vội, viết nhanh viết ẩu, thiếu vốn sống, thiếu thực tế nên các tác phẩm viết ra chưa thật sự chất lượng”.
Tránh lối viết dễ dãi, khô cứng
Trên thực tế, một số người dè bỉu văn học mạng nhưng Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại khuyến khích thể loại văn học này. Vì “đó là một xu thế của văn học của thời đại và chúng ta không thể cưỡng lại”. Ngoài ra, văn học mạng khiến cho đời sống văn học phong phú, đa dạng hơn, làm cho tác phẩm văn chương đến gần với công chúng hơn.
Tuy nhiên, nhà phê bình cũng chỉ ra những mặt hạn chế của thể loại văn học này. Ông cho rằng, văn học mạng giúp tác giả thoải mái trong việc chỉnh sửa bản thảo nhưng nhiều khi các tác phẩm này lại được viết quá dễ dãi, khô cứng, độ tinh túy, chắt lọc chưa cao, đôi khi mất kiểm soát. Nhiều cây bút chạy theo các đề tài thời thượng khiến tác phẩm chú trọng tính giải trí và họ không có ý định theo nghiệp văn chương lâu dài.
Văn học mạng gắn với các bạn trẻ, với tình yêu và sự lãng mạn... Vì thế, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, để cạnh tranh với tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc, những người viết văn học mạng cần có sự điều tiết đề tài, thông tin và có những tác phẩm hấp dẫn người đọc thích tiểu thuyết tình yêu, đồng thời định hướng cho họ đến những điều tốt đẹp thay vì tìm đọc các tiểu thuyết ngôn tình với đầy rẫy các nhân vật “sến sẩm”, siêu thực, dễ có cách nhìn sai lệch về tình yêu và cuộc sống.
Bắc Lưu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận