Các hạng mục của công trình Văn Miếu (tỉnh Vĩnh Phúc) đang được hoàn thiện |
Mấy ngày nay dư luận nóng lên chuyện Vĩnh Phúc chi 271 tỷ đồng để xây dựng Văn Miếu. Đây là một công trình rất hoành tráng với nghi môn bằng gỗ, có hoa văn rồng phượng, nhà bia mái bằng gỗ, bia đá đặt lên lưng rùa và nhiều cảnh quan lớn khác trên diện tích hơn 42 ha.
Tên gọi Văn Miếu có nghĩa là miếu thờ Văn Tuyên Vương, tức Khổng Tử, người sáng lập ra Nho giáo. Thế nhưng, khi dư luận ồn ào, lãnh đạo Sở VH, TT&DLVĩnh Phúc nói rằng, chưa thống nhất thờ Khổng Tử trong Văn Miếu.
Ông Trần Mạnh Định, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc nói với Vietnamnet: Trong thiết kế, bài trí thờ tự ở phần cuối là bài vị Khổng Tử. Tuy nhiên, khi xây dựng gần xong thì có ý kiến không đưa bài vị của Khổng Tử vào thờ nên vẫn đang tranh cãi. Cái gì không ổn thì tổ chức hội thảo để làm rõ.
Trả lời báo Dân trí, ông Kim Văn Ngoan Quýnh, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc lại cho rằng: “Toàn bộ đề án trưng bày nội thất của Văn Miếu (ở Vĩnh Phúc) mà Sở là chủ đầu tư, đã báo cáo qua nhiều lần hội thảo khoa học, qua nhiều lần họp với các nhà khoa học đều không đưa Khổng Tử vào thờ ở đó, mà chỉ đưa vào gian thờ chính là nhà giáo Chu Văn An. Sau này mới có một số ý kiến cho rằng phải đưa Khổng Tử vào thờ trong Văn Miếu. Quan điểm của ngành trong việc phê duyệt nội thất ở Văn Miếu là không thờ Khổng Tử trong đó”.
Theo tờ trình của Sở KH&ĐT, Sở VH, TT&DL Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10/2011 thì “Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn Miếu”.
Một bản tin trên Báo Xây dựng từ năm 2011 cho hay: “Chuẩn bị cho công tác đầu tư, xây dựng Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13/4, Đoàn công tác của tỉnh đi nghiên cứu và học tập về xây dựng Văn Miếu do đồng chí Trần Ngọc Tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Văn Miếu Khổng Tử, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc”.
Dù lãnh đạo địa phương có khẳng định chưa thống nhất thờ ai trong Văn Miếu thì cũng không thể phủ nhận, công trình xây theo lối kiến trúc của Khổng miếu (miếu thờ Khổng Tử). Dù dư luận có tranh cãi chuyện tốn kém, lãng phí, có nên xây hay không nên xây thì nay công trình cũng đã xây sắp xong. Do vậy, thay vì tranh cãi và đổ lỗi, chúng ta nên đưa ra giải pháp để “cứu” công trình hàng trăm tỷ này. Giải pháp đó có thể là đổi tên Văn Miếu thành Văn Hiến Từ (Đền Văn Hiến) nhằm thờ các vị khoa bảng và trở thành trung tâm văn hóa, hun đúc sự hiếu học của địa phương.
Và dĩ nhiên, cũng cần có một giải pháp để 62 tỉnh, thành còn lại không “học tập” Vĩnh Phúc xây thêm Văn Miếu. Bởi số tiền hàng trăm tỷ ấy đang rất nhiều nơi như bệnh viện, trường học cần…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận