Các ĐBQH nghe báo cáo của Chính phủ về đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 |
Tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều 22/10, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ KH-Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, tốc độ giải giải ngân vốn đầu tư công có sự cải thiện rõ rệt qua các tháng, quý; Khắc phục cơ bản tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn
Cùng với đó, khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt, đã cải thiện tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc thông qua việc đổi mới công tác lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công, chuyển từ lập kế hoạch hằng năm sang kết hợp giữa kế hoạch trung hạn và hằng năm.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết đồng tình với các kết quả đạt được, nhưng Uỷ ban này cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Điển hình như việc xác định danh mục các dự án đầu tư công theo thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn vướng mắc; còn tình trạng đầu tư dàn trải, dở dang; chưa thanh toán hết nợ đọng xây dựng cơ bản.
Việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm, chưa bảo đảm tính ổn định, giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân, hiệu quả nguồn vốn.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải, tỷ lệ giải ngân trong năm 2016, 2017 thấp, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Nhiều chương trình mục tiêu dự kiến phải kéo dài thời gian thực hiện sang giai đoạn sau, tỷ lệ giao vốn thấp, việc phê duyệt chậm.
Đặc biệt, việc xây dựng danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng; xây dựng kế hoạch chưa bao quát hết các hiệp định đã ký kết, làm tăng áp lực cân đối giữa các nguồn vốn, dẫn đến vượt mức trần 300.000 tỷ đồng vốn ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm cũng chưa đạt yêu cầu đặt ra; một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư.
Ngoài nguyên nhân khách quan về thể chế, Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng nêu nguyên nhân chủ quan về nhận thức, tư duy, chất lượng của một bộ phận cán bộ vẫn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn ngân sách T.Ư.
Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư công trong một số trường hợp chưa nghiêm; công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận