Đăng kiểm

Vẫn phổ biến thói quen trả phí đăng kiểm bằng tiền mặt

20/07/2021, 14:58

Khách đến đăng kiểm khá đa dạng, có người là chủ xe, người là lái xe thuê, song rất ít người đề nghị thanh toán bằng chuyển khoản hay quẹt thẻ.

Mỗi lượt giao dịch khi đăng kiểm ô tô thường có giá trị tiền triệu, song hầu hết vẫn giao dịch bằng tiền mặt, dù việc thanh toán điện tử được khuyến khích từ lâu…

img

Hiện vẫn phổ biến nộp phí đăng kiểm, phí sử dụng đường bộ bằng tiền mặt

Khách ngại chuyển khoản, trung tâm đăng kiểm thờ ơ

Anh Đỗ Thế Hùng, lái xe của Công ty CP Công nghiệp Đức Trung (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, doanh nghiệp có gần chục xe tải nên hầu như tháng nào cũng có xe đi đăng kiểm. Đầu tháng 7/2021, công ty giao anh đi đăng kiểm xe và thanh toán bằng chuyển khoản thay vì tiền mặt như mọi lần.

“Khi phương tiện đăng kiểm xong, tôi xin số tài khoản để báo kế toán công ty chuyển tiền trực tuyến thì nhân viên thu phí bảo không có tài khoản của trung tâm, cũng không đồng ý nhận bằng tài khoản cá nhân. Tôi đành tạm ứng gần 2 triệu tiền mặt để trả phí đăng kiểm, phí sử dụng đường bộ”, anh Hùng kể.

Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, đại diện trung tâm trên cho biết, đơn vị đã mở tài khoản riêng để nhận thanh toán chi phí chuyển khoản, trong khi nhân viên không linh hoạt, khiến khách phàn nàn.

“Nhân viên e ngại nhận, chuyển tiền qua tài khoản cá nhân của mình sau đó phải báo cáo, chuyển lại cho trung tâm và mất phí chuyển tiền. Sau khi khách phản ánh, đơn vị đã mở một tài khoản cá nhân dành riêng cho việc nhận thanh toán trực tuyến phí đăng kiểm, phí đường bộ”, giám đốc trung tâm trên nói và cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng chục khách chuyển khoản.

Khảo sát một số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và địa phương phía Bắc cho thấy, tại các quầy thanh thanh toán đều không thông báo hình thức thanh toán bằng chuyển khoản hay quẹt thẻ POS thường thấy tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích…

Cũng vì vậy, hầu hết khách hàng khi thanh toán phí, lệ phí đăng kiểm, phí sử dụng đường bộ đều bằng tiền mặt. Khi được hỏi, một số khách hàng cho biết, có thẻ ATM để thanh toán quẹt thẻ POS hoặc có tài khoản chuyển tiền trực tuyến qua điện thoại, song lần nào đi đăng kiểm cũng dùng tiền mặt nên thành thói quen.

Ông Bùi Minh Kiên, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-11D cho biết, khách đến đăng kiểm khá đa dạng, có người là chủ xe, người là lái xe thuê, song rất ít người đề nghị thanh toán bằng chuyển khoản hay quẹt thẻ.

“Trước đây, đơn vị bán bảo hiểm xe cơ giới tại trung tâm cũng trang bị máy quẹt thẻ, song không có khách hàng sử dụng nên lại thôi. Khách hàng ít có nhu cầu nên đơn vị cũng chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt”, ông Kiên nói.

Trong khi đó, tại một số trung tâm đăng kiểm như 29-06V, 29-03V, các đơn vị này từng trang bị máy quẹt thẻ POS nhưng sau đó phải cất đi vì khách hàng không dùng. Nguyên nhân chính do khách hàng khi quẹt thẻ POS thanh toán phải mất thêm 1-2,5% phí giao dịch.

Thanh toán điện tử giảm nhiều rủi ro

img

Thúc đẩy thanh toán điện tử sẽ góp phần hiện đại hóa dịch vụ đăng kiểm

Theo các trung tâm đăng kiểm, chủ phương tiện khi được cấp chứng nhận kiểm định phải nộp ba khoản gồm: Phí (giá) dịch vụ đăng kiểm, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định và phí sử dụng đường bộ.

Trừ một số trường hợp xe có chu kỳ đăng kiểm 3 tháng chỉ phải nộp gần 1 triệu đồng cho các khoản trên, còn lại đều từ trên một triệu đến vài triệu đồng.

Trong đó, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định và phí sử dụng đường bộ được đơn vị đăng kiểm thu hộ ngân sách Nhà nước. Thanh toán điện tử vừa tiện lợi vừa tạo văn minh trong dịch vụ đăng kiểm.

“Có trường hợp khách đi đăng kiểm xe sang nhưng trả tờ 200 nghìn đồng bị cũ, rách nên nhân viên thu ngân đề nghị đổi tờ khác, song khách không đồng ý, nói rằng không có tờ khác. Vụ việc khá căng thẳng, đến mức tôi phải trực tiếp gặp khách, bảo bỏ tiền túi cho vay thì khách liền rút tờ 500 nghìn mới ra trả. Nếu thanh toán bằng điện tử sẽ giảm được những chuyện nhỏ nhặt như thế”, ông Đỗ Tràng Hưng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03V nêu ví dụ.

Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-11D Bùi Minh Kiên cũng cho biết, nhân viên thu ngân của đơn vị không ít lần phải bù tiền vì trả lại thừa hoặc nhận phải tiền giả của khách. Quan trọng hơn, thanh toán điện tử sẽ giúp các trung tâm đăng kiểm thuận tiện, an toàn hơn trong việc thu, nộp lại phí sử dụng đường bộ.

“Ngày nào các trung tâm đăng kiểm cũng thu hộ ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu, có chỗ thậm chí hơn 1 tỷ đồng và cuối ngày phải nộp lại vào Kho bạc Nhà nước. Do thu bằng tiền mặt nên các trung tâm cũng nộp lại bằng tiền mặt, phải mất công đến tận Kho bạc và thời gian để kiểm đếm. Nếu thanh toán điện tử sẽ thuận lợi, giảm được nguy cơ rủi ro trong thu, nộp lại phí sử dụng đường bộ”, ông Kiên nói và cho rằng, hiện nhiều ngân hàng miễn phí chuyển khoản điện tử, vì vậy là điều kiện tốt để thúc đẩy thanh toán điện tử.

Tìm hiểu của PV cho thấy, năm 2020 đã xảy ra trường hợp Trung tâm Đăng kiểm 29-15D (Hà Nội) thường xuyên không nộp lại ngay hàng trăm triệu đồng (mỗi ngày) phí sử dụng đường bộ thu vào Kho bạc Nhà nước và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Khi Cục Đăng kiểm VN phát hiện vi phạm, buộc trung tâm trên phải đình chỉ hoạt động một tháng, song cũng cho thấy nguy cơ rủi ro trong quản lý việc thu, nộp phí sử dụng đường bộ, lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Thanh toán điện tử đạt khoảng 15%

Theo Phòng Tài chính, Cục Đăng kiểm VN, quy định hiện nay cho phép các trung tâm đăng kiểm thu phí, lệ phí đăng kiểm và phí sử dụng đường bộ bằng các hình thức tiền mặt, quẹt thẻ POS, chuyển khoản, ví điện tử… Tuy vậy, do phát sinh về việc trả phí cho ngân hàng nên chưa phổ biến, đến nay mới có khoảng 15% giao dịch điện tử.

Hiện, Cục Đăng kiểm VN đang nghiên cứu mở rộng phương thức thanh toán để khuyến khích, thúc đẩy thanh toán điện tử tại các trung tâm đăng kiểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.