Dù đã 40 năm trôi qua, những người lính Việt Nam cộng hòa đã từng tham gia trận hải chiến chống quân Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974 vẫn sôi sục khí thế khi hay tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Chúng tôi đã liên hệ và được nghe hai trong số những người lính đó kể về trận đánh năm xưa với quân Trung Quốc trên biển Hoàng Sa. Đó là ông Nguyễn Văn Hết, lúc đó là Thượng sĩ, Trưởng Đài Truyền tin của tàu tuần dương HQ16 và ông Thái Ngươn Bền, Hạ sĩ cơ khí trên chiến hạm Trần Khánh Dư (HQ4).
Ông Nguyễn Văn Hết đọc lại bảng phúc trình do chính ông đánh máy báo cáo hạm đội trưởng |
Sẵn sàng chiến đấu...
Dù đã 79 tuổi, nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hết (hiện ở tại số 6/17, đường Nguyễn Văn Lâu, phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn kể lại chi tiết về trận đụng độ đầu tiên giữa tàu Việt Nam với tàu Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974.
Trước khi kể chuyện, ông Hết lấy ra những kỷ vật có liên quan đến trận đụng độ đó. Đặc biệt là bảng phúc trình đánh máy viết báo cáo cho hạm đội trưởng bằng giấy màu đen dài khoảng 4 trang A4 đã nhạt màu. Xem bảng phúc trình, chúng tôi khó đọc được trôi chảy vì phần chữ đã mờ, có nhiều từ thuật ngữ, viết tắt, chỉ có ông mới đọc được.
Vừa đọc, ông Hết vừa diễn giải cho chúng tôi nghe chính xác về thời gian, không gian của cuộc đụng độ. Ông Hết kể: Ngày 14/1/1974, tàu HQ16 được chỉ định ra Hoàng Sa. Trước giờ khởi hành khoảng 20 phút, hạm trưởng gặp trực tiếp tôi hỏi, bộ phận truyền tin thế nào? Tôi trả lời: Tình trạng kỹ thuật đảm bảo, trừ khi mất điện. Lúc này tôi đã nghi vấn về một vấn đề gì đó rất quan trọng sắp xảy ra. Sau khi ra gần đến khu vực Hoàng Sa, tàu HQ 16 của chúng tôi thấy xuất hiện một tàu buôn của Trung Quốc liền hạ ca nô chạy đến kiểm tra, nhưng chạy gần tới nơi thì tàu buôn Trung Quốc tăng ga chạy mất. Đến chiều 18/1, chúng tôi thấy thêm hai tàu của Trung Quốc ngụy trang vũ khí. Tàu HQ 16 phát đèn giám lộ, sau đó, tàu Trung Quốc cũng đối lại bằng tín hiệu đó, nhưng lúc bấy giờ chưa có lệnh dù hai bên nhìn thấy nhau. Đêm đó, tàu Trung Quốc đã phá sóng máy thu phát giai tần đơn bằng âm thoại của tàu Việt Nam, buộc tàu Việt Nam phải báo cáo về cấp trên để thay đổi tần số. Trong đêm đó, các tàu HQ4, HQ5 và HQ10 ra đến nơi hỗ trợ. Khoảng 3h sáng 19/1/1974, sau khi nhận công điện mật từ đất liền, hạm đội trưởng tàu HQ16 đã tập hợp nhân viên đọc lệnh sáng nay sẽ chiến đấu. Ngay lập tức, các nhân viên mỗi người một việc và đều đeo thẻ bài chờ lệnh. Sáng 19/1/1974, tàu Việt Nam đậu cách tàu Trung Quốc khoảng 1 hải lý. Từ Sài Gòn đã cho lệnh 4 tàu Việt Nam đậu dàn hàng ngang với tàu Trung Quốc và ra lệnh sẽ bắn theo chiến thuật “Thế cài răng lược”. Đúng 10h20, lệnh bắn được phát ra. Chỉ trong 3 phút đầu, có một chiếc tàu Trung Quốc bị bắn cháy. “Lúc đó, tôi reo mừng như trúng số”, ông Hết cho biết.
Còn ông Thái Ngươn Bền (62 tuổi, hiện ở số 73, ấp Tân Hùng, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, đã 40 năm trôi qua, nhưng với ông, trận hải chiến Hoàng Sa năm xưa luôn là một dấu ấn không thể quên trong cuộc đời. Ông Bền nhập ngũ, tham gia vào hải quân năm 1970 và làm nhiệm vụ tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Đến năm 1972, ông được chuyển ra làm nhiệm vụ tại Hải quân vùng 1 duyên hải.
Bảng phúc trình đã mờ nhạt |
Ông Bền kể: Ngày 7/1/1974, sau 3 ngày tuần tra trên biển, chúng tôi nhận được lệnh cho tàu cập bến Đà Nẵng để đưa 1 tiểu đội Biệt hải (còn gọi là Lôi hổ) ra đảo Hoàng Sa. Khi tàu ra đến nơi, trên vùng biển của quần đảo Hoàng Sa có rất nhiều tàu vũ trang của Trung Quốc ngụy trang dưới dạng tàu cá. Các tàu Việt Nam liên tục phát tín hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc di chuyển ra khỏi khu vực chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, phía tàu Trung Quốc không chịu hợp tác, mà còn có những phản ứng ngược lại. “Ngày 18/1, trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, Trung tá Vũ Hữu San - Hạm trưởng tàu HQ4 đã ra lệnh cho tàu nổ máy, ép sát vào các tàu của Trung Quốc để xua đuổi”, ông Bền nói.
Sau mấy ngày giằng co, sáng 19/1/1974, nhận được lệnh từ Sài Gòn, các tàu của Việt Nam đã khai hỏa trước. “Lúc đó, tàu HQ4 là tàu lớn nhất, hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Tàu được trang bị hai khẩu pháo ZK 76,2mm ở mũi và đuôi; ngoài ra còn nhiều đại bác 40mm, 50mm hai bên hông tàu...; trên tàu luôn túc trực quân số hơn 100 người. Do đó tàu này được các tàu của Trung Quốc chăm sóc rất kỹ”, ông Bền cho biết. Sau gần 30 phút hải chiến, tàu HQ4 bị trúng 3 trái pháo, có một trái xuyên qua hai lớp vỏ tàu rồi phát nổ làm một Hạ sĩ tên Danh thiệt mạng. Ngoài ra, một Thiếu úy tên Xá, đứng trên mũi tàu cũng bị trúng đạn tử vong. Sau đó, tàu được lệnh rút về đất liền.
Sôi sục khí thế năm xưa
Khi được hỏi kiến về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trên vùng biển Việt Nam, ông Hết cho biết, ông cực lực phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. “Tôi đã 79 tuổi, dù có phần già cả, nhưng chúng tôi vẫn còn khí thế muốn ra khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Hết cho biết.
Còn với ông Bền, những ngày qua, theo dõi thông tin trên các phương tiện báo, đài, cũng như bao người dân Việt Nam khác, ông vô cùng bức xúc trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Ông nói: “Bây giờ mà cho tôi được trở lại thời trai trẻ, tôi sẵn sàng lên tàu ra khơi bảo vệ những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Tuy nhiên, dù bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc như vậy, nhưng cả ông Hết và ông Bền đều tin tưởng, tùy theo tình hình, Nhà nước sẽ có những đối sách phù hợp để đấu tranh với Trung Quốc nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Hồng Thủy - Nguyễn Dũng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận