Thế giới giao thông

Vận tải công cộng trước viễn cảnh u ám

06/07/2022, 06:30

Hoạt động phương tiện giao thông công cộng toàn cầu, trong đó có Mỹ, Australia, Canada… chịu thiệt hại nặng nề trong suốt thời gian dịch bệnh.

Dù nay dần phục hồi nhưng doanh thu còn lâu mới có thể so với khi chưa có dịch.

New York lo vận tải công cộng lỗ 2 tỷ USD

Tại Mỹ, hệ lụy từ Covid-19 vẫn rất nặng nề với các hệ thống vận tải công cộng nước này. Sau khi Mỹ dần thích ứng với Covid-19, dỡ bỏ các hạn chế đi lại cũng như bỏ hạn chế đeo khẩu trang để dần trở lại bình thường, một số hệ thống vận tải công cộng hy vọng lượng khách sẽ quay trở lại như trước.

Nhưng dường như hai năm dịch bệnh đã khiến người dân nước này thích nghi với thực tế mới. Điển hình là hệ thống vận tải công cộng tại New York.

img

Lượng khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng tại New York èo uột dẫn đến thua lỗ

Cơ quan Vận tải Đô thị New York - MTA, đơn vị vận hành các hệ thống tàu điện, xe buýt, đường sắt đã và đang cảm nhận được những tác động từ việc người dân dần chuyển đổi sang làm việc từ xa và kết hợp làm việc trực tuyến – trực tiếp trong 2 năm qua.

Số lượng người đi tàu điện ngầm những ngày trong tuần chỉ tương đương 60% mức trước dịch bệnh.

Theo phân tích của Công ty Tham vấn McKinsey, dự báo tới năm 2024, tàu điện ngầm New York vẫn chỉ đạt hiệu suất hoạt động 86% so với mức trước khi có dịch Covid-19.

Doanh thu từ tiền vé đang thấp hơn ngân sách phải chi đến vài trăm triệu USD và MTA (đơn vị cung cấp vận tải công cộng lớn nhất nước Mỹ) đối mặt nguy cơ thâm hụt khoảng 2 tỷ USD trong năm 2026.

Trước đó, từ cuối tháng 12/2021, MTA đã cảnh báo cần vay 1,4 tỷ USD và tìm các nguồn doanh thu mới để duy trì ngân sách năm 2025 khi tàu điện ngầm New York - hệ thống vận tải hành khách công cộng lớn nhất nước Mỹ rất khó khăn trong việc khôi phục lượng hành khách.

Australia, Canada: Chờ nguồn tài trợ khẩn cấp

Tờ Syney Morning Herald và Nine News đã tiếp cận được một dự thảo báo cáo của chính quyền bang này, trong đó có cảnh báo áp lực tài chính đang gia tăng.

Theo dự thảo, mạng lưới đường sắt liên bang của tiểu bang, kết nối với vùng Hunter, Illawarra và Central West - là phương tiện hoạt động kém nhất khi chỉ thu lại 10% chi phí vận hành. Hệ thống phà xếp hạng tốt nhất khi thu hồi được 45% chi phí.

img

Tàu điện trên cao của Canada Translink

Tại Australia, chính quyền bang New South Wales cũng đang vật lộn để bù đắp chi phí vận hành hệ thống giao thông của mình.

Tại Canada, dù lượng hành khách sử dụng TransLink - mạng lưới giao thông gồm buýt, tàu trên cao, tàu nhanh đang dần hồi phục, nhưng sẽ rất khó có thể đạt được mức trước đại dịch Covid-19.

Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt doanh thu lớn đối với Translink trong năm nay và năm kế tiếp. Đơn vị này ước tính họ sẽ lỗ khoảng 216 triệu USD trong năm 2022 và 200 triệu USD vào năm 2023.

Trong văn bản tham vấn về ngân sách cho năm 2022 hồi đầu năm nay, các cơ quan liên quan đã cảnh báo rằng nếu không có thêm nguồn tài trợ khẩn cấp từ chính quyền liên bang và các địa phương thì TransLink có thể bị buộc phải cắt giảm dịch vụ và hoãn các dự án mở rộng, nâng cấp.

Cắt giảm dịch vụ, tăng giá vé chỉ làm trầm trọng hơn

Các cơ quan vận tải công cộng đang chật vật xoay xở bằng cách khuyến mại, giảm giá để hồi phục lượng khách nhưng khó có thể kéo dài cách làm này mãi.

Theo nhận định của ông Jim Aloisi, giáo sư về chính sách giao thông và hoạch định tại Viện Công nghệ Massachusetts: “Rất nhiều đơn vị có thể bị đẩy đến vực thẳm tài chính vào năm tới hoặc năm sau nữa”.

Nhìn rộng hơn, các giải pháp quan trọng nhất trong việc thúc đẩy đi lại sẽ là tăng cường dịch vụ và hạn chế chậm trễ.

Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị đang đối mặt với tình hình giảm ngân sách, thiếu hụt lao động, biểu tình, thách thức về hạ tầng.

Do đó, họ chọn giải pháp khuyến mại (như gói 20 vé linh hoạt; giảm giá gói vé 30 ngày khoảng 29%; giảm giá vé đêm…), tuy tổn thất vào lợi nhuận nhưng vẫn dễ thực hiện hơn các giải pháp trên. Dẫu vậy, cho đến nay, các chương trình khuyến mại vẫn chưa tạo ra sự thay đổi rõ nét nào.

Hãng tin Bloomberg cho rằng, trừ khi chính phủ can thiệp hoặc các hệ thống vận tải công cộng tìm thấy nguồn thu mới, còn không nhiều doanh nghiệp vận tải công cộng sẽ đối mặt với hai sự lựa chọn: cắt giảm dịch vụ hoặc tăng giá vé.

Cả hai phương án này đều không được khuyến khích vì không thể thu hút người sử dụng dịch vụ quay trở lại.

Đề xuất giải pháp, ông Janno Lieber - Giám đốc điều hành Cơ quan Vận tải Đô thị (MTA) New York kêu gọi cần phải coi vận tải công cộng là dịch vụ thiết yếu để hỗ trợ nhiều hơn, giảm phụ thuộc vào lợi nhuận từ vé.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.