Vận tải hàng hóa trở thành “xương sống” của nền kinh tế Mỹ |
Trong khi vận tải hàng hóa đường sắt thế giới xuống dốc khi phải cạnh tranh với các hình thức vận tải khác như đường bộ, hàng không, đường biển; thì tại Mỹ, vận tải hàng hóa bằng đường sắt vẫn “ăn nên làm ra”, thậm chí là “xương sống” của nền kinh tế.
Suy thoái vẫn phải đầu tư vào đường sắt
Vì sự phát triển của đường cao tốc, hàng không, vận tải hàng hóa bằng đường sắt trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại châu Âu, theo thống kê năm 2016, Liên minh châu Âu chi tới 28 tỉ euro (31 tỉ USD) từ năm 2007 đến năm 2013 vào các dự án đường sắt để cải thiện vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn thua lỗ nặng nề. Điển hình Deutsche Bahn, công ty đường sắt lớn nhất châu Âu, hoạt động tại nhiều quốc gia, thua lỗ 1,3 tỉ euro trong ngạch vận tải hàng hóa; lợi nhuận sụt giảm 10%. Tại Trung Quốc, năm 2015, khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt đã giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương 3,36 tỉ tấn) ở mức thấp nhất trong 5 năm.
Trong khi đó, tại Mỹ, kể từ năm 1980 đến nay, ngành Đường sắt tư nhân hóa cần rất ít quỹ công mà tự chi 600 tỉ USD từ lợi nhuận để tự nâng cấp hệ thống đường sắt chở hàng. Thống kê từ Viện Nghiên cứu Kinh tế khu vực thuộc Đại học Towson cho thấy, năm 2014, vận tải hàng hóa đường sắt đóng góp 274 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ, tạo 1,5 triệu việc làm cho người dân. Một ví dụ nhỏ, khi Tập đoàn Union Pacific Railroad quyết định xây dựng nhà ga 400 triệu USD tại Santa Teresa, New Mexico, dự án này mang đến 3.000 công việc. Khi hoàn thành, nhà ga cung cấp 600 việc làm lâu dài. Bên cạnh đó, hàng loạt dịch vụ ăn theo mọc lên gần nhà ga từ ăn uống, siêu thị đến dịch vụ sửa chữa, bảo trì tàu hàng... Kể từ khi mở cửa năm 2014 đến nay, nhà ga này đã mang về cho kinh tế New Mexico gần 500 triệu USD.
Ông Clifford Winston, nghiên cứu sinh Viện Brookings trụ sở ở Washington cho biết, tác động của vận tải hàng hóa qua đường sắt Mỹ có giá trị đặc biệt đối với kinh tế toàn cầu. “Hệ thống đường sắt chở hàng được cải tiến và mở rộng sẽ kết nối người mua và người bán, giúp việc kinh doanh thương mại nội địa Mỹ cũng như tới các nước khác dễ dàng. Nếu không có hệ thống đường sắt hiệu quả, chắc chắn các ngành công nghiệp của Mỹ đều phải chịu chi phí tăng cao và tất yếu sẽ đánh vào giá cả hàng hóa để người tiêu dùng phải gánh chịu”, ông Winston nói.
Đó là lý do vì sao, các chuyên gia coi vận tải hàng hóa đường sắt là “xương sống” của nền kinh tế Mỹ, giúp nâng cao chất lượng đời sống cường quốc này. Năm 2009, giữa bối cảnh kinh tế Mỹ khủng hoảng, người người nhà nhà giữ vốn, không dám vung tiền thì nhà đầu tư lừng danh - tỉ phú Warren Buffett vẫn mạnh tay đầu tư 26 tỉ USD vào tập đoàn đường sắt lớn thứ hai của Mỹ (BNSF). Ở thời điểm đó, ông Buffett nhận định: “Thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào một hệ thống đường sắt hiệu quả và được bảo trì tốt”.
Cách mạng đường sắt
Nhờ chính sách nào, đường sắt Mỹ có thể trụ vững, phát triển trở thành tốt nhất thế giới? Không nằm ngoài dòng chảy của sự phát triển, cũng như Trung Quốc, châu Âu..., những năm 1930, vận tải hàng hóa Mỹ từng phải cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện vận chuyển khác. Tuy nhiên, năm 1980, Mỹ làm một cuộc cách mạng đường sắt khi đưa ra đạo luật Staggers Act of 1980 (hay còn gọi là Luật Staggers), tháo bỏ một phần quy định, hợp nhất ngành đường sắt và tăng cường đầu tư.
Với Staggers, Chính phủ cho phép các hãng vận tải có thể “khai tử vận tải hành khách” nhưng phải ủng hộ trang thiết bị vận tải khách cho Tập đoàn Amtrak (được thành lập năm 1971 thuộc quản lý Nhà nước, được trợ cấp và chỉ chuyên chở khách) và đóng góp 200 triệu USD vào hệ thống chở khách mới. Đến nay, 35.000 km đường sắt của Amtrak thuộc sở hữu của các công ty vận tải đường sắt và Amtrak trả tiền cho họ đổi lấy quyền hoạt động. Đạo luật Staggers còn cho phép các công ty đường sắt tự do định giá và bàn bạc chi phí với các công ty vận tải.
So sánh để thấy Staggers thực sự là cuộc cách mạng: Trước năm 1980, khi chưa có Staggers, nhiều quy định kinh tế gây cản trở cho ngành Đường sắt, khiến ngành này không thể định giá một cách linh hoạt, cấm các hãng vận tải tái cơ cấu (như cắt bớt các tuyến mật độ thấp hoặc dư thừa) và quản lý giá cả. Theo đó, 9 hãng vận tải phá sản, ngành Đường sắt “ế sưng”, không hấp dẫn đầu tư và không thể huy động vốn, đối mặt việc sụt giá cổ phiếu trầm trọng.
30 năm trước - dấu mốc 1980, giá trị cổ phiếu ngành Đường sắt sụt giảm 33% (từ 56,1% xuống 37,5%). Sau đó, giá trị cổ phiếu thời hậu Staggers ổn định hơn và tăng lên 40%. Nếu như trước Staggers, đường sắt bê trễ không được sửa chữa thì từ năm 1981 - 2009, ngành này đã chi 511 tỉ USD vào cải thiện, bảo trì thiết bị và đường ray. Qua đó, tỉ lệ tai nạn tàu cũng giảm 65% (tính trong thời gian 1981-2009).
Không ngủ quên trên chiến thắng, hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các khoản đầu tư cho đường sắt tương lai. Bộ Giao thông nước này ước tính, cần phải tăng thêm 90% công suất để đáp ứng nhu cầu đặt ra trong năm 2035.
Không dừng lại vận tải trong nước, ngành vận tải đường sắt Mỹ kết nối với thị trường nước ngoài như: Mexico, Canada và Nga. Trong đó tại Mexico, năm ngoái, hai nước đã khai trương đường ray West Rail mới để nâng cấp hạ tầng đáp ứng thị trường hợp tác song phương trị giá 600 tỉ USD/năm.Trong 20 năm kể từ khi Mỹ - Mexico áp dụng thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ, thương mại với Mexico tăng gấp 6 lần và Mexico trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất với Mỹ nhưng hạ tầng hai nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Dự án West Rail được khởi công tháng 12/2010 giúp nâng cao hiệu suất vận tải hàng hóa trong khu vực, tăng cường chất lượng không khí và giảm tắc nghẽn trong thành phố. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận