Vận tải

Vận tải khách liên tỉnh vẫn chưa “thông”

Sau 1 tuần triển khai thí điểm đã có 48 địa phương đồng ý mở lại tuyến vận tải khách liên tỉnh nhưng lượng khách đi xe vắng, DN vận tải e dè.

Ngày 10/10, Bộ GTVT đã cho phép thí điểm vận tải khách liên tỉnh từ ngày 13 - 18/10. Sau một tuần triển khai, đã có 48 địa phương đồng ý mở lại.

Tuy nhiên, lượng khách đi xe rất vắng, các doanh nghiệp vận tải cũng tỏ ra e dè. Nguyên nhân chính được cho là nhiều tỉnh, thành chưa có sự thống nhất về công bố cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

img

Lượng khách ít trong khi phải bỏ ra nhiều chi phí, thu không đủ bù chi làm doanh nghiệp vận tải e dè khi hoạt động trở lại (Trong ảnh: Xe khách liên tỉnh vẫn chưa chuyển bánh tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải

Khách ít, doanh nghiệp chưa mặn mà

Đến ngày 18/10, có 38 tỉnh, thành phố triển khai hoạt động xe khách liên tỉnh với gần 800 tuyến. Thực tế hoạt động có gần 600 tuyến, với hơn 1.000 chuyến/ngày, chở hơn 5.600 khách.

Con số này cho thấy, lượng khách vận chuyển còn rất thấp, bình quân mỗi chuyến xe chở khoảng 8 hành khách.

Đơn cử tại tỉnh Hòa Bình, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, tỉnh đã thí điểm mở lại vận tải khách liên tỉnh 4 chuyến/ngày hoạt động với số lượng 1 chuyến/ngày đến 4 địa phương.

Bộ GTVT đã thí điểm lại 5 lĩnh vực vận tải. Đến ngày 20/10, sau khi thí điểm xong, Bộ GTVT sẽ đánh giá lại, cố gắng sau ngày 20/10, sẽ có một hướng dẫn thích ứng được ban hành theo tinh thần Nghị quyết 128, ví dụ như tần suất có thể tăng lên cả về đường bộ, hàng không.
Quy định của Bộ Y tế đã rõ ràng nhưng cần tránh tình trạng các chốt mỗi nơi một kiểu, một quan điểm, tự ý quy định thêm, gây bức xúc.
Các địa phương phải sớm công khai cấp độ của địa phương mình để vận tải được thông suốt. Việc xét nghiệm cũng cần tính toán, nếu xét nghiệm nhiều nhưng không cẩn thận sẽ gây tốn kém, không hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ


Tuy nhiên, trong thời gian thí điểm (14 - 18/10), mỗi chuyến trung bình chỉ được vài khách.

Nguyên nhân là do đơn vị kinh doanh vận tải còn khá dè dặt trong thí điểm, do số lượng hành khách ít, không đủ chi phí cho mỗi chuyến đi nên ít có doanh nghiệp địa bàn tỉnh đăng ký hoạt động thí điểm vận tải khách liên tỉnh.

Tại Quảng Ninh, ông Mạc Đức Sơn, Phó phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định trên địa bàn đã sẵn sàng hoạt động.

Tuy nhiên, hiện nay, vướng mắc vẫn là do chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp độ dịch theo vùng để triển khai.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng cho biết, hiện các tuyến vận tải khách đã được mở lại, doanh nghiệp có thể khai thác tất cả các tuyến.

Tuy nhiên, họ cũng chưa sẵn sàng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi lượng khách đi lại vẫn còn hạn chế.

Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, từ ngày 13 - 18/10, TP.HCM đã thống nhất với 17 tỉnh, thành mở lại các tuyến xe khách liên tỉnh (trong tổng số trên 50 tỉnh, thành).

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 10 tuyến chạy và cũng chỉ lác đác khách.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Nghệ An cho biết, việc mở tuyến từ Nghệ An đi các tỉnh vẫn gặp khó do các sở liên quan vẫn chưa có ý kiến thông báo cho phép mở lại.

Thêm vào đó, bản thân doanh nghiệp chưa mặn mà vì lượng khách đi xe còn thấp. Một vấn đề nữa mà tất cả các nhà xe đang gặp phải là làm sao để sàng lọc hành khách vùng dịch, vùng nguy cơ cao.

“Bản thân họ không có thông tin, cũng không có tài khoản để truy cập bản đồ vùng dịch như ngành Y tế. Các bộ, ngành cần xây dựng một bản đồ thông tin chung toàn quốc, bất cứ ai cũng có thể nắm bắt, khi đó điều hành vận tải mới thuận lợi được”, ông Hùng nói.

“Sáng xanh, trưa lại thành vàng, đỏ”

Lý giải về thực tế trên, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, thời gian thí điểm ngắn nên lượng hành khách giữa hai đầu bến ít, nhiều tuyến xe hoạt động nhưng không có khách do tâm lý hành khách còn e ngại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn còn thăm dò nhu cầu khách đi lại để quyết định có chạy hay không.

Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đánh giá về khó khăn trong quá trính thí điểm, Bộ GTVT cho biết, việc yêu cầu lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine khó thực hiện. Bởi thực tế, lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe ở hầu hết các địa phương đều mới được tiêm 1 liều vaccine, tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine còn thấp.
Mặt khác, nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa phương; việc kiểm soát ra/vào đối với phương tiện vận tải hành khách từng địa phương có các quy định chưa thống nhất.
Ngoài ra, việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương còn chưa kịp thời, đến nay mới chỉ có một số tỉnh, thành phố nên dẫn đến việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại địa phương còn lúng túng. Trần Duy


Khó khăn khác là khó thực hiện quy định lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine, hầu hết ở các địa phương đối tượng này mới chỉ được tiêm 1 liều, không đáp ứng điều kiện để hoạt động thí điểm.

Đơn cử tại Nghệ An, Sơn La, Hà Tĩnh chỉ có 40 trong tổng số 700 lái xe vận tải khách liên tỉnh được tiêm đủ 2 mũi.

“Mặt khác, nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa bàn. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định rõ các tỉnh, thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương chưa kịp thời, dẫn đến việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách còn lúng túng.

Việc công bố cấp độ dịch cũng chưa có tổng hợp chung trên toàn quốc mà mỗi tỉnh công bố riêng lẻ, khiến đơn vị kinh doanh vận tải khó theo dõi để có phương án hoạt động”, bà Hiền cho hay.

Đồng tình với đánh giá này, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho hay, việc xác định cấp độ dịch của địa phương đang gây khó cho hoạt động vận tải.

“Giữa hai thành phố đầu và cuối tuyến là Hà Nội và Hải Phòng không có sự thống nhất mở tuyến thí điểm.

Hải Phòng cũng đã đề xuất với Hà Nội mở thí điểm 2 chuyến/ngày nhưng không nhận được trả lời.

Cả Hải Phòng và Hà Nội đều là vùng xanh phải mở lại vận tải hoạt động bình thường, nhưng việc đi lại bằng phương tiện công cộng giữa hai thành phố vẫn án binh bất động nên doanh nghiệp dù rất muốn hoạt động nhưng không thực hiện được”, ông Hải dẫn chứng.

Theo ông Hải, quan trọng nhất lúc này là các biện pháp phòng, chống dịch phải có sự thống nhất, tránh vênh nhau giữa các tỉnh, thành phố.

Dẫn chứng ngay tại Hải Phòng, ông Hải cho biết, việc xác định cấp độ phòng chống dịch cũng rất khó hiểu, thay đổi liên tục về cấp độ mà không có sự thông báo, “sáng thì xanh, đến trưa thì vàng, đỏ” khiến người dân và doanh nghiệp bị xoay như chong chóng.

Hay như tỉnh Hưng Yên, sáng xe taxi của doanh nghiệp chở khách đến tỉnh vẫn còn là vùng xanh nhưng đến trưa thì lại thành vàng, nhiều tài xế của doanh nghiệp chở khách đến tỉnh này về thì bị cách ly tại nhà.

Là doanh nghiệp có hơn 70 xe giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân cho hay, doanh nghiệp vẫn chưa chạy được chuyến xe nào do tỉnh Lào Cai chưa tiếp nhận khách đến từ Hà Nội.

“Hà Nội đã bỏ điều kiện hành khách phải tiêm đủ vaccine và xét nghiệm nhưng Lào Cai vẫn yêu cầu. Cho phép mở với tần suất thấp 5 - 30% nhưng doanh nghiệp vẫn phải vận hành đầy đủ các bộ phận nên khó hoạt động. Lượng khách ít trong khi phải bỏ ra nhiều chi phí, thu không đủ bù chi làm doanh nghiệp e ngại”, ông Dũng nói.

Là doanh nghiệp lớn của Quảng Ninh với hàng trăm xe, ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên cho hay, Quảng Ninh đang rất dè chừng mở lại các tuyến vận tải.

Trong khi tỉnh chưa cho phép nhưng “xe dù” vẫn lách để chạy và thu giá vé gấp 5 lần bình thường, người dân từ Quảng Ninh đi Hà Nội phải trả 1 triệu đồng/vé.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho hay, nhu cầu đi lại bằng vận tải liên tỉnh của người dân còn thấp.

Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Bộ GTVT, điều kiện đi lại của người dân đã được điều chỉnh thông thoáng hơn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hành khách vẫn còn e dè, ngại đi lại nên nhu cầu đi lại phải từng bước mới được nâng lên. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tiêm vaccine cho người dân và sự thống nhất trong xác định cấp độ dịch của các địa phương.

Cấp thiết tháo gỡ

img

Có hơn 70 xe giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai nhưng Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân vẫn chưa chạy được chuyến nào do tỉnh Lào Cai chưa tiếp nhận khách đến từ Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho hay, với tần suất được chạy 30% số chuyến, trong một tuần thí điểm, doanh nghiệp chỉ được chạy một chuyến xe Điện Biên - Hà Nội với lượng khách chỉ đạt 15% tải trọng.

Nhiều doanh nghiệp ở Điện Biên không muốn chạy do ít khách, thu không đủ bù chi để trả lương, chi phí xét nghiệm cho lái xe.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp tiên phong thí điểm nhưng lại không được quan tâm có chính sách hỗ trợ. Trong thời gian thí điểm cần hỗ trợ họ bằng việc miễn phí ra vào bến. Xe không có khách vẫn thu loại phí này là không hợp lý.

“Tác động tiêu cực của dịch bệnh, lưu lượng người đi lại thấp và sự không thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch của các tỉnh, thành phố trên tuyến khiến doanh nghiệp vận tải đang “dò mìn” khi mở lại hoạt động kinh doanh.

Những cản trở nêu trên cần được khắc phục ngay, nhất là khi qua “cửa ải” của các địa phương, vận tải mới hoạt động được”, ông Mạnh nói.

Còn theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, việc “cởi trói” yêu cầu xét nghiệm đối với hành khách của Bộ GTVT là quy định hợp lý, vừa tháo gỡ cho doanh nghiệp vừa thuận tiện cho hành khách đi lại dễ dàng hơn.

“Địa phương đã là vùng xanh nên cho vận tải hoạt động trở lại và để doanh nghiệp tự điều tiết số chuyến xe theo nhu cầu và số lượng khách”, ông Hải đề xuất

Bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng, Bộ Y tế sớm chỉ đạo Sở Y tế địa phương công bố kịp thời cấp độ dịch tại các địa phương trên trang thông tin điện tử của Bộ để Sở GTVT các địa phương tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương có kế hoạch khẩn trương tiêm vaccine cho lái xe, đảm bảo nhân sự cho tổ chức vận tải.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, khi thực hiện Nghị quyết 128, Bộ GTVT đã rà soát lại và ban hành quy định mới phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp của Nghị quyết.

Đặc biệt là phù hợp với những quy định mới của Bộ Y tế thể hiện ở Quyết định số 4800 về hướng dẫn chuyên môn, trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch.

Quyết định 4800 phù hợp với tình hình hiện nay, khi triển khai chi tiết, các địa phương chủ động, linh hoạt quyết định. Bộ Y tế kiểm soát đồng bộ về các quy định chung, tránh địa phương tự ban hành mà không có sự kiểm soát, dễ dẫn đến chồng chéo.

Sau khi Nghị quyết 128 ra đời, Bộ GTVT đã ban hành các quyết định hướng dẫn về vận tải khách đường bộ, hàng hải và đường thủy nội địa.

Trên cơ sở Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Bộ GTVT cũng cụ thể hóa với các lĩnh vực cụ thể của ngành. Đây là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là lĩnh vực vận tải.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận.

Bến đìu hiu, xe khách “trùm mền”

Trưa ngày 19/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Phan Lương, Phó giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh, Trưởng ban Quản lý bến xe Hà Tĩnh cho biết, hiện tại hoạt động vận tải xe khách liên tỉnh ở Hà Tĩnh vẫn đang “án binh bất động”.

“Ngày hôm qua, tỉnh đã họp, Chủ tịch tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành tạo mọi điều kiện để hoạt động vận tải khách thông suốt. Tuy nhiên, đến nay, văn bản cuối cùng vẫn chưa được ban hành. Từ sáng tới giờ, nhiều doanh nghiệp gọi điện thoại đến bến để hỏi tình hình nhưng vẫn chưa có gì mới”, ông Lương nói.

Tại Đà Nẵng, sau 7 ngày mở lại hoạt động vận tải liên tỉnh, Bến xe trung tâm TP Đà Nẵng vẫn vắng vẻ. Ông Phạm Lợi, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho hay, dù được mở lại 3 tuyến vận tải liên tỉnh từ bến xe trung tâm đi Đông Hà (Quảng Trị), Gia Nghĩa (Đắk Nông) và Kon Tum nhưng chỉ có tuyến đi Đăk Nông hoạt động lại với chỉ… một nốt tài. Xe xuất bến cũng không có mấy khách.

Tại bến xe Miền Đông (TP.HCM), ngay ngày đầu mở cửa đã báo hủy vé với khách vì vé đã bán ra nhưng các tỉnh chưa đồng ý tiếp nhận.

Ông Tạ Chương Chín, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cho biết, trong bến hiện đã có hơn 40 doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động trở lại nhưng hầu hết chưa thể chạy được vì... đang chờ các tỉnh đồng ý tiếp nhận. “Qua 6 ngày thí điểm, đến nay tại bến xe bình quân có 25 lượt xe xuất bến mỗi ngày, mỗi chuyến xe trung bình chỉ có 8 hành khách/xe”.

Theo ông Tống Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Bến xe & Dịch vụ vận tải Đồng Nai, đơn vị quản lý 5 bến xe khách đi liên tỉnh, hiện các bến tạm dừng hoạt động, chỉ duy nhất một tuyến tại bến xe Tân Phú đi TP.HCM hoạt động 1 chuyến/ngày, nhưng chỉ lác đác vài khách, chủ yếu là người dân đi chữa bệnh. “Vấn đề hiện nay là khách rất ít và các tỉnh “lắc đầu”, chưa đồng ý mở tuyến khiến các nhà xe cũng dè dặt, chấp nhận xe tiếp tục “trùm mền”, ông Hải nói.

Là bến xe có nhiều nhà xe chạy các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây, ông Trình Xuân Vinh, Giám đốc bến xe Biên Hòa (Đồng Nai) cũng cho rằng, nhiều địa phương vin vào việc đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 mà lần lữa phối hợp, gây nghẽn dòng đối lưu trên tuyến.

Tương tự, tại bến xe Phan Rang, bà Nguyễn Thị Lợi, Giám đốc Bến xe khách tỉnh Ninh Thuận cho hay, chưa có nhà xe nào đăng ký hoạt động lại. Hiện nay, chủ yếu nhà xe Phương Trang hoạt động miễn phí chở bà con từ TP.HCM về các nơi tránh dịch.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.