Chi phí vận tải đường bộ cao hơn nhiều so với những loại hình vận tải khác nhưng các doanh nghiệp vẫn lựa chọn vì tính linh hoạt (Trong ảnh: Xe container đưa hàng lên Sa Pa bằng cao tốc Hà Nội - Lào Cai) - Ảnh: K.Linh |
Giá, phí cao, doanh nghiệp vẫn phải chọn đường bộ
Đầu tháng 2, anh Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty Minh Phát đã đến Khu du lịch Sa Pa (Lào Cai) tìm hiểu khả năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại đây. Theo đánh giá của anh, khí hậu, thổ nhưỡng, chính sách của địa phương đều rất tốt. Tuy nhiên, một vấn đề lớn khiến anh phải cân nhắc khi chi phí vận chuyển sản phẩm rất cao, vì Sa Pa cách xa các khu vực tiêu thụ. Dù hiện đã có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng nên thời gian từ Hải Phòng lên rút ngắn đáng kể, nhưng chi phí vận chuyển quãng đường khoảng 300km rất lớn, nhất là tiền xăng dầu, phí cầu đường.
"Tổng cục Đường bộ VN sẽ hình thành và đưa vào hoạt động các tuyến vận tải mẫu nhằm mục tiêu giảm thị phần vận tải đường bộ và giảm chi phí vận tải. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các sàn giao dịch vận tải hàng hóa với phương thức vận tải khác làm cơ sở phát triển dịch vụ logistics. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động của sàn giao dịch vận tải hàng hóa hạn chế xe chạy rỗng, tiết kiệm chi phí và hình thành sàn giao dịch chung cho các phương thức vận tải”. Bà Phan Thị Thu Hiền |
Về vấn đề này, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, trong chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, phí cầu đường bình quân chiếm khoảng 10%. “Riêng tuyến Hải Phòng - Lào Cai chiếm 30% chi phí vận tải. Chính việc này đẩy giá thành vận tải lên rất cao”, ông Tiến nói và cũng cho biết, ngoài các chi phí trên, vận tải đường bộ còn phải gánh không nhỏ chi phí không chính thức (hay còn gọi là tiêu cực phí trên đường vận chuyển). Con số này chiếm không dưới 5%.
Vận tải bằng đường bộ có chi phí cao hơn rất nhiều so với đường biển, đường thủy, đường sắt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận lựa chọn do nhanh và linh hoạt hơn.
“Một container loại 20 feet từ Hải Phòng đến TP.HCM mất khoảng 30 - 35 triệu đồng; Container 40 feet khoảng 37 triệu đồng, trong khi đường biển chỉ mất trên 5 triệu đồng/container 20 feet và gần 7 triệu đồng/ container loại 40 feet”, ông Tiến nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, năm 2017 thị phần giữa các lĩnh vực đã có sự dịch chuyển nhưng vẫn chậm, vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng cao so với các lĩnh vực vận tải khác với trên 77%. Theo bà Hiền, nguyên nhân khiến vận tải đường bộ có chi phí cao là do đa số các doanh nghiệp vận tải còn nhỏ lẻ, manh mún chiếm trên 80% số doanh nghiệp vận tải trong cả nước. Bên cạnh đó, vẫn còn xe chạy rỗng, hiệu quả kinh doanh chưa cao.
Có giảm được chi phí vận tải đường bộ?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, để kéo giảm chi phí logistics đường bộ nói riêng và logistics nói chung, trước hết cần tập trung giảm chi phí thuế quan, gồm chi phí tuân thủ hành chính trước và tại cửa khẩu, chi phí logistics. Ông Long cũng cho biết, chi phí về rào cản phi thương mại của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với khu vực. Tổng chi phí logistics bao gồm chi phí vận tải, xếp dỡ, lưu trú tại cảng, thủ tục tại cửa khẩu. Trong đó, chiếm trên 50% là các chi phí không rõ ràng, liên quan đến các thủ tục hành chính cho xuất nhập khẩu của rất nhiều bộ, ngành.
Ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam lại cho rằng, chi phí logistics đường bộ quá cao là do tình trạng nhiều công ty lập kế hoạch cân đối giữa lượng hàng và lượng xe chưa tốt, không tối ưu được tuyến vận chuyển, để tình trạng xe chạy rỗng, tốn chi phí.
Theo ông Tương, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa giám sát được đội xe bằng công nghệ. Cách các doanh nghiệp thường áp dụng hiện nay là liên tục gọi điện kiểm tra đội ngũ lái xe đã lấy hàng chưa không giải quyết được vấn đề gì. “Tối ưu hóa tuyến đường vận tải là cách cải thiện chi phí logistics hiệu quả. Nhưng muốn thực hiện được, cần có hệ thống định vị toàn cầu GPS được lắp đặt vào xe và phần mềm để quản lý. Doanh nghiệp cũng cần lập kế hoạch và dự báo về chi phí vận tải trong dài hạn. Trước đây, hai công đoạn này thường bị doanh nghiệp “bỏ qua” vì cho là không cần thiết”, ông Tương nói.
Bà Phan Thị Thu Hiền phân tích thêm, sàn giao dịch vận tải hàng hóa được lập ra nhiều năm nay nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Doanh nghiệp vận tải và chủ hàng chưa quan tâm do không muốn minh bạch và công khai các chi phí vận chuyển.
“Năm 2017, mới có trên 1.000 thành viên tham gia trên sàn với tổng số trên 600 giao dịch, trong đó chỉ có 48 giao dịch thành công”, bà Hiền thông tin và cho rằng, để giảm tỷ lệ xe chạy rỗng, nâng cao hiệu suất khai thác phương tiện, tối ưu hóa quá trình vận chuyển, cần đẩy mạnh phát triển sàn giao dịch vận tải. Lâu nay, tỷ lệ xe chạy “rỗng” chiều về của các doanh nghiệp vận tải luôn ở mức 60 - 70%. Thậm chí, ở các tuyến ngắn dưới 300km tỷ lệ này lên đến 100%. Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, chi phí xe chạy rỗng ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ vận tải bởi sẽ bị áp giá tương đương khoảng 60 - 70% tổng mức giá cước. Chỉ cần tận dụng được việc có hàng hóa chạy hai chiều, chi phí cước vận tải sẽ giảm được 30 - 40%.
Đề cập giải pháp của Tổng cục Đường bộ VN để kéo giảm chi phí vận tải, bà Hiền cho biết, theo Đề án tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa đường bộ giảm xuống chỉ còn 54%.
Cụ thể hơn, ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Hữu, đại diện Công ty Vinadata cho biết, vận chuyển hàng hóa tuyến Hà Nội - Hải Phòng nếu xe có hàng cả chiều đi lẫn chiều về thì giá cước chỉ khoảng 130 - 150 nghìn đồng/tấn nhưng nếu chỉ có một chiều, cước sẽ lên đến 200 nghìn đồng/tấn.
“Thông qua sàn giao dịch, các doanh nghiệp tăng thêm cơ hội tìm kiếm nhu cầu vận tải, giảm chi phí sản phẩm hàng hóa, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp vận tải sẽ giảm lượng xe chạy rỗng, giảm chi phí trung gian, minh bạch hóa giá cước và tạo điều kiện để các công ty vận tải kết nối các phương thức vận tải”, ông Hữu cho biết.
Ông Nguyễn Thành Sơn, phụ trách phòng giao nhận hàng hóa cho một cảng cạn ICD lớn tại Hà Nội: Doanh nghiệp logistics cũng chịu tác động từ chi phí đầu vào cao Các doanh nghiệp logistics và dịch vụ vận tải cho rằng, bản thân họ cũng chịu tác động từ các chi phí đầu vào cao. Các chi phí đầu vào của vận tải như: Nhập khẩu phương tiện, giá nhiên liệu cũng ở mức cao hơn so với các nước, lại thêm các chi phí sử dụng cầu đường. Giao dịch vận tải ít khi kết nối thẳng từ chủ hàng mà qua doanh nghiệp dịch vụ logistics nên chi phí tăng thêm. Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh: Chi phí vận tải phụ thuộc nhiều yếu tố đầu vào Vận tải hàng hóa là một trong những mắt xích quan trọng của dây chuyền logistics và chiếm chi phí khá lớn. Chi phí vận tải phụ thuộc rất lớn vào các chi phí đầu vào như: Đầu tư phương tiện, giá nhiên liệu, phí cầu đường, tình hình giao thông. Chẳng hạn như doanh nghiệp vừa đầu tư một xe đầu kéo giá 1,5 tỷ đồng, nhưng sau 2 năm sử dụng chỉ bán lại khoảng 700 triệu đồng, lỗ rất nhiều so với trước. Chi phí lỗ đó buộc doanh nghiệp vận tải phải hạch toán vào chi phí đầu tư phương tiện mới và hoạt động vận tải tiếp theo. Nhóm P.V |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận