Hành lang pháp lý chưa rõ ràng
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 2014 đến tháng 3/2019, vận tải nội bộ được quy định tại Nghị định số 86/2014.
Xe vận tải nội bộ được cấp giấy phép kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Đơn vị vận tải nội bộ có bộ phận theo dõi ATGT, quản lý hoạt động vận tải người, hàng hóa.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014 được ban hành, nội dung liên quan đến xe vận tải nội bộ không còn được đề cập nữa.
Trong khi đó, thống kê cho thấy hiện có gần 400.000 phương tiện vận tải nội bộ. Có 15-20% trong tổng số phương tiện vận tải hàng hóa thuộc các doanh nghiệp, nhà máy, các đơn vị thi công công trình đang sử dụng để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình do đơn vị mình sản xuất, thi công.
Do ý thức chấp hành hạn chế nên thực tế hoạt động vận tải nội bộ còn diễn biến phức tạp. Tình trạng xe chở quá tải, lái xe sử dụng các chất gây nghiện vẫn còn diễn ra.
Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Lào Cai nhìn nhận, hoạt động vận tải nội bộ hiện nay được hiểu là việc các đơn vị sử dụng ô tô để vận chuyển cán bộ công chức, người lao động, học sinh, sinh viên của mình từ nơi ở đến nơi làm việc, học tập và ngược lại; hoặc vận chuyển sản phẩm, hàng hóa do cơ quan, tổ chức đó sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý là rất bất cập.
Thực tế, không ít những vụ TNGT liên quan đến xe vận tải nội bộ đã xảy ra. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, xe vận tải nội bộ hiện nay chỉ cần đăng ký, đăng kiểm là lưu hành, dẫn đến khó quản lý.
Luật hóa để quản lý
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Công an xây dựng Luật Trật tự ATGT đường bộ, trong đó đã đưa vào nội dung quản lý đối với vận tải nội bộ.
Đối tượng vận tải nội bộ còn có trẻ mầm non, học sinh, các em rất dễ ngủ quên trên xe, do đó cần xem xét quy định trách nhiệm của lái xe vận tải nội bộ chở người trước khi xuống xe, nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ quên trẻ khi kết thúc hành trình.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
Tại dự thảo Luật Đường bộ quy định, hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô là hoạt động vận tải không kinh doanh, bao gồm hoạt động vận tải người nội bộ và hoạt động vận tải hàng hóa nội bộ. Đơn vị hoạt động vận tải nội bộ phải bảo đảm công tác quản lý ATGT.
Tại dự thảo Luật TTATGT còn quy định, thời gian làm việc của lái xe vận tải nội bộ không quá 10 giờ trong một ngày, không quá 48 giờ trong một tuần, lái xe liên tục không quá 4 giờ.
Một thành viên của ban soạn thảo cho biết, việc luật hóa quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô sẽ là cơ sở để quy định chi tiết các điều kiện hoạt động của loại hình vận tải này tại nghị định và các văn bản hướng dẫn luật.
Trong đó có thể sẽ xem xét quy định lắp thiết bị GSHT, lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông để quản lý.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, hiện dự thảo Luật Đường bộ vẫn chỉ quy định chung chung đối với hoạt động vận tải nội bộ, chưa có các quy định, điều kiện hoạt động cụ thể. Do đó, cần nghiên cứu thật kỹ để đưa ra các quy định phù hợp.
Ngoài ra, cần có các quy định ràng buộc đối với phương tiện này khi hoạt động. Nếu quy định xe phải lắp thiết bị GSHT, cũng cần có quy định để buộc các đơn vị phải thực hiện.
"Tuy nhiên cũng cần phân loại, với những xe hoạt động trong nội khu, không tham gia giao thông công cộng có cần thiết phải lắp thiết bị này hay không, hạn chế gánh nặng cho doanh nghiệp", ông Quyền nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận