Tăng từ cước vận tải, thực phẩm, dược phẩm...
Chiều 26/10, sau khi được điều chỉnh tăng gần 1.500 đồng/lít, giá xăng RON95-III bán ra lên tới 24.338 đồng/lít (chỉ cách đỉnh lịch sử chưa đầy 2.000 đồng/lít).
Cùng ngày, do chịu tác động mạnh trực tiếp nên các doanh nghiệp vận tải đã nhanh chóng tính toán lại giá cước vận chuyển và điều chỉnh mức giá mới cao hơn.
Ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận chuyển Á Châu cho biết, đây là mức tăng "sốc" mà doanh nghiệp phải đối diện khiến các đơn vị vận tải lao đao trước nhiều áp lực do chi phí xăng dầu chiếm tới 35%.
Do đó, họ tính toán điều chỉnh tăng khoảng 10-20% so với mức giá cũ để cân đối doanh thu.
Dù vậy, ông Thành cũng thừa nhận doanh nghiệp đang ở thế khó với các hợp đồng đã ký bởi việc thay đổi giá cước vận chuyển không dễ gì khách hàng chấp nhận, chưa kể sẽ mất nhiều đơn hàng lẻ.
Giá xăng tăng mạnh cũng là lý do để giải thích cho việc hàng loạt hàng hóa khác cũng điều chỉnh tăng theo...
Dược phẩm và thực phẩm chức năng cũng đã tăng giá theo
Trong công văn điều chỉnh tăng giá bán các loại sản phẩm của Công ty Cổ phần Liên doanh Dược phẩm TPP (Cụm CN Thanh Oai, Xã Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội) nêu rõ: “Công ty nhận được thông báo điều chỉnh tăng giá từ tất cả các nhà cung cấp, lý do là giá nguyên vật liệu tăng cao, thậm chí là khan hiếm nguồn hàng.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất của chúng tôi. Sau thời gian dài cố gắng duy trì bình ổn giá để quý khách hàng không bị ảnh hưởng, nhưng đến thời điểm hiện tại giá nguyên vật liệu, vật tư đã tăng quá cao vượt quá khả năng tự gánh chịu của chúng tôi rất nhiều”.
Vì vậy, Công ty này đã điều chỉnh tăng giá tất cả các sản phẩm. Cụ thể, viên nang mền Oblon và viên nén to tăng thêm 30 đồng/viên; Viên nang mền Oval và viên nén nhỏ tăng 20 đồng/viên; Sản phẩm gói cốm và siro ống tăng 50 đồng/gói (ống); Siro chai 1.000 đồng/chai...
Riêng những sản phẩm có chứa Arginin HLC, Vitamin E, Rutin, Silymarin sẽ có giá theo thời gian đặt hàng, nguyên nhân do biến động quá lớn về giá...
Tuy nhiên, có lẽ những bà nội trợ Việt là người nhận thấy rõ nhất diễn biến tăng giá này.
Giật mình khi giá cả các mặt hàng gồm rau xanh, thịt gà, thịt lợn, thịt bò, tôm, cá...đều tăng cao. Chị Thu Hường (Cầu Giấy) cho biết, mỗi loại đều tăng tới 20 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, rau xanh tăng giá gấp 3-5 lần.
Thực phẩm là mặt hàng tăng giá mạnh nhất
Đơn cử, một bó rau muống có giá tới 15-20 nghìn đồng, tăng gấp 4-5 lần; Rau ngót 17-20 nghìn đồng/bó, tăng 3-4 lần; Rau mồng tơi 15-20 nghìn đồng/bó, tăng 4-5 lần...
“Hỏi người bán thì họ trả lời do giá xăng tăng mạnh, cộng với giá lợn hơi và giá rau tại ruộng tăng nên giá ở chợ cũng phải điều chỉnh tăng theo. Tuy nhiên, họ đều khẳng định sẽ còn tăng nữa khi vào mùa mưa việc nuôi trồng đều khó khăn, lại đúng thời điểm tiêu thụ tốt”, chị Hường nói.
Chị Phương Anh, Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng than thở: “Tôi đang “đau đầu” khi gi gỉ gì gi, cái gì cũng tăng theo giá xăng. Trong khi, mấy tháng nay cả 2 vợ chồng tôi đều giảm lương do phải ở nhà giãn cách”.
Theo chị Phương Anh, từ sáng đến giờ, chị đặt một đơn hàng mua trái cây, chủ hàng báo giá tăng khoảng 5-25 nghìn đồng/kg mỗi loại, phí ship cũng tăng từ 20 nghìn lên 25 đồng/đơn. Đặt 1 suất cơm rang, chủ hàng cũng thông báo tăng thêm 15 nghìn đồng so với mức giá 35 nghìn đồng tuần trước. Tôi cũng phải trả thêm 15 nghìn đồng tiền ship, trong khi trước kia vẫn được miễn phí...
Giá xăng dầu tăng 10% có thể làm GDP giảm 0,5%
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.
Do đó, giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cụ thể, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, đây là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.
Bởi vậy, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới để có giải pháp ứng phó linh hoạt, khi xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tương tự, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, cơ quan quản lý cần đưa ra các biện pháp hợp lý.
“Nên triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; Hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận