Việc thiếu hụt trầm trọng nguồn đất đắp khiến tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam bị ảnh hưởng (Trong ảnh: Thi công trên công trường gói thầu XL-04 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây). Ảnh: Vĩnh Phú
Nhiều dự án chậm tiến độ do thiếu đất đắp
Hiện, 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức đầu tư công đang ở giai đoạn cao điểm thi công nền đường.
Hai ngày qua ở trong khu vực giãn cách xã hội (quận Gò Vấp, TP HCM), ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA7 sốt ruột như có lửa đốt trong lòng khi liên tục nhận điện thoại từ Ban điều hành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết báo về những vướng mắc nguồn vật liệu đất đắp vẫn chưa tìm ra lối thoát.
“Dự án đang rất căng thẳng về nguồn vật liệu đất đắp. Các nhà thầu rất tích cực, xoay xở đủ mọi cách, sẵn sàng trả giá cao gấp đôi bình thường nhưng vẫn không có đất để mua”, ông Khoát chia sẻ qua điện thoại với Báo Giao thông.
Thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), tính đến hết tháng 5/2021, trong 6 dự án thành phần đầu tư công cao tốc đang triển khai thi công, ngoài hai dự án Cao Bồ - Mai Sơn (sản lượng 72,1%) và cầu Mỹ Thuận 2 (33,89%) đang đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, còn lại 4 dự án khác đều chưa đạt yêu cầu gồm: Cam Lộ - La Sơn (đạt 51,5%, chậm 4,4%), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đạt 9,1%, chậm 0,4%), Mai Sơn - QL45 (đạt 10,7%, chậm 2,2%) và Phan Thiết - Dầu Giây (đạt 6,6%, chậm 1,8%. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chậm tiến độ tại các dự án được Cục QLX&CLCTGT chỉ ra là do thiếu nguồn vật liệu đất đắp thi công nền đường.
Theo ông Khoát, dự án đã qua hơn nửa năm triển khai nhưng việc cấp phép khai thác các mỏ đất trong khu vực của địa phương vẫn giậm chân tại chỗ.
Thống kê sơ bộ của Ban QLDA7 cho thấy, nhu cầu sử dụng đất đắp của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khoảng 9 triệu m3. Đến nay, các nhà thầu mới ký hợp đồng với các chủ mỏ được khoảng 1 triệu m3, điều phối đất dọc tuyến khoảng 1 triệu m3 và tận dụng đá nghiền sàng gần 1 triệu m3.
“Dự án còn thiếu khoảng 6 triệu m3. Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên quan đã vào cuộc, thậm chí cả đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã làm việc với chính quyền địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay thủ tục cấp phép khai thác các mỏ đất trong khu vực vẫn chưa có biến chuyển. Dự án đang trong giai đoạn cao điểm thi công nền đường, nhưng không có đất đắp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2021”, ông Khoát nói và kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm thủ tục cấp phép khai thác các mỏ đất để các nhà thầu có nguồn vật liệu thi công.
Đang tập trung chỉ đạo 11 mũi thi công đào, đắp nền đường và phần cầu trên tuyến tại gói thầu XL-03 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và 10 mũi thi công gói thầu XL-01 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, song nhiều tháng qua, ông Trần Huy Hoàng, Phó tổng giám đốc CIENCO8 đã mất ăn mất ngủ do chưa biết tìm nguồn đất ở đâu để triển khai thi công.
“Nhà thầu đã huy động số lượng lớn máy móc, thiết bị và nhân lực đến công trường nhưng một số mũi đang phải thi công cầm chừng bởi không có đất để thi công nền đường. Chúng tôi rất nỗ lực xoay xở đủ mọi cách, sẵn sàng chấp nhận mua giá cao nhưng không có đất để mua”, ông Hoàng chia sẻ.
Căng thẳng nhất lúc này là VINACONEX khi đảm nhiệm thi công 3 gói thầu lớn nhất tại dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 (XL14), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (XL04), Phan Thiết - Dầu Giây (XL-03) với nhu cầu sử dụng đất đắp khổng lồ. Đại diện VINACONEX cho biết, tổng nhu cầu đất đắp tại 3 gói thầu này gần 8 triệu m3, nhưng đến nay, nhà thầu mới ký được hợp đồng với các chủ mỏ với khối lượng chưa tới 300.000m3, còn thiếu hơn 7 triệu m3 do không có nguồn cung.
“Các mỏ trong quy hoạch cung cấp vật liệu cho dự án trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận chưa được cấp phép dù hai dự án đã triển khai thi công 7 - 8 tháng. Đặc biệt, tại Đồng Nai, trong phạm vi thi công của chúng tôi không có bất cứ mỏ đất nào đang khai thác”, đại diện VINACONEX nói và cho biết, tại một số địa phương đang có hiện tượng các chủ mỏ liên kết đẩy giá vật liệu lên cao gấp 1,5 - 2 lần so với giá khảo sát ban đầu khiến các nhà thầu đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Đề xuất cơ chế đặc thù
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp thi công cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đang làm việc với chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua để đẩy nhanh thủ tục gia hạn khai thác đối với những mỏ còn trữ lượng nhưng hết hạn khai thác và cấp phép nâng công suất cho các mỏ đang khai thác.
“Bộ GTVT cũng làm việc với Bộ TN&MT đề xuất Thủ tướng Chính phủ các cơ chế đặc thù về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Hiện nay, Thủ tướng đang chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét đề xuất của Bộ GTVT và Bộ TN&MT nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về vật liệu cho dự án”, ông Lâm nói.
Theo đại diện VINACONEX, khó khăn lớn nhất hiện nay là thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất theo quy định của Luật Khoáng sản không khác gì quy trình cấp phép khai thác mỏ vàng, trải qua nhiều công đoạn nhiêu khê, kéo dài. Thời gian ngắn nhất để cấp phép một mỏ đất từ 6 - 8 tháng, có địa phương còn kéo dài đến hơn 2 năm, trong khi thời gian thi công các gói thầu cao tốc Bắc - Nam chỉ có 24 tháng.
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế đặc thù giao trực tiếp các khu vực mỏ đất nằm trong quy hoạch cho nhà thầu, chủ đất khai thác để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cho phép sử dụng đất tận thu, cải tạo đất nông nghiệp tại khu vực xung quanh dự án, có chất lượng đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật để làm vật liệu đắp cho cao tốc Bắc - Nam ”, đại diện VINACONEX đề xuất.
Xử lý nhà thầu chậm tiến độ
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 (Ảnh chụp chiều 1/6/2021)
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, ngoài khó khăn về vật liệu, ảnh hưởng của lũ lụt cuối năm 2020, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang bị chậm tiến độ còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các nhà thầu.
“Khi mới bắt tay vào thi công, các nhà thầu cơ bản đều đảm bảo tiến độ, nhưng trong quá trình thi công về sau một số nhà thầu bộc lộ dấu hiệu đuối sức, thi công chậm.
Chúng tôi thường xuyên kiểm tra công trường để rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu trong quá trình thi công. Nếu các vướng mắc đã được tháo gỡ, nhà thầu nào vẫn không có sự chuyển biến, chúng tôi sẽ phát văn bản phê bình, khiến trách”, ông Quý nói và cho biết, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang tiến hành xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
“Đối với nhà thầu Hoàng Nguyên tại gói thầu tại gói thầu XL-03 đã vi phạm tiến độ lần 3, chúng tôi sẽ họp với các nhà thầu trong liên danh để kiểm đếm khối lượng đã làm, xem xét năng lực của các nhà thầu khác trong liên danh để điều chuyển khối lượng của nhà thầu vi phạm sang cho nhà thầu khác thực hiện”, ông Quý nói và cho biết, đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ lần 1 và lần 2 tại các gói thầu XL-06, XL-07, XL-11… Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ cho thời hạn 10 ngày để khắc phục, sau thời hạn vẫn không có chuyển biến sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của hợp đồng.
Thông tin thêm về dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, ông Hồ Ngọc Loan, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, tiến độ dự án bị chậm so với kế hoạch do thời gian qua thiếu nguồn vật liệu đất đắp tại các gói thầu qua địa phận tỉnh Ninh Bình và thiếu bãi đổ thải ở các khu vực thi công qua tỉnh Thanh Hóa.
“Vừa qua, Ban QLDA Thăng Long phối hợp cùng chính quyền địa phương và cơ quan liên quan cơ bản tháo gỡ xong các khó khăn, vướng mắc cho dự án. Trong tháng 6/2021, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các nhà thầu tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh các mũi thi công để bù tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án đúng yêu cầu của Bộ GTVT”, ông Loan nói.
Đề xuất không đấu giá khai thác mỏ làm vật liệu
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo báo cáo từ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổng nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường khoảng 72 triệu m3 gồm: Khối lượng vật liệu đất được tận dụng từ nền đào khoảng 18,5 triệu m3 và khối lượng vật liệu đắp nền đường có nhu cầu lấy từ các mỏ đất khoảng 53,5 triệu m3.
Trong khi đó, khả năng cung cấp của các mỏ đất tại địa phương có dự án đi qua theo khảo sát khoảng 164,6 triệu m3 (184 mỏ), đáp ứng nhu cầu về vật liệu đất đắp cho dự án, gồm: 85 mỏ đất đủ điều kiện khai thác và 99 mỏ đất chưa đủ điều kiện khai thác.
Theo Thứ trưởng Đông, qua các buổi làm việc với địa phương cho thấy, để hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định 58/2016, thời gian từ khi cấp phép thăm dò đến khi hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác khoảng 9 - 15 tháng.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các địa phương căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 81 Luật Khoáng sản, quyết định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án. Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về cấp phép khai thác đối với khoáng sản…
Một số địa phương chưa quyết liệt, chủ động
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 ngày 21/3/2019 về việc thực hiện công tác GPMB phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam, trong đó có việc khai thác đất sét làm vật liệu san lấp (đất cấp phối làm đường), Bộ TN&MT, Bộ GTVT và nhiều địa phương đã phối hợp hiệu quả với các ban quản lý dự án trong việc rà soát, giải quyết nguồn cung vật liệu san lấp cho dự án (Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh…).
Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thật sự chủ động, chưa quyết liệt khi thực hiện dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung, khiến dự án cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ.
Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc bao che cho hành vi đầu cơ, nâng giá vật liệu để trục lợi.
Về giải pháp trước mắt, đối với các mỏ đã cấp phép, có cung độ vận tải hiệu quả, Bộ TN&MT đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố liên quan rà soát trữ lượng, công suất đã cấp phép để chủ động nâng công suất, kể cả việc rà soát khối lượng đất đá thải từ các mỏ khoáng sản khác đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp cho dự án trên địa bàn.
Đối với các mỏ đã hết thời hạn khai thác, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục gia hạn giấy phép theo quy định. Đối với các mỏ chưa cấp phép thăm dò, khai thác thuộc quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã duyệt: Sau rà soát các nguồn vật liệu san lấp mà không đủ cung cấp cho dự án, địa phương chỉ đạo tổng hợp danh sách các mỏ chưa cấp phép để thực hiện theo “cơ chế đặc thù” sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận