Chất lượng sống

Vẫn tràn lan quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ

06/07/2016, 09:48

Sau một năm triển khai, nhiều vi phạm Quy định về kinh doanh sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ...

9

Tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàntrong 6 tháng đầu ở nước ta chỉ đạt 19,6%

Nhân viên y tế tiếp tay

Theo quy định hiện hành (Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo) cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ dưới bất kỳ hình thức nào, áp dụng đối với sản phẩm cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung cho trẻ dưới 6 tháng tuổi... Đối với thức ăn bổ sung cho trẻ dưới 24 tháng tuổi phải có nội dung khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và chỉ rõ rằng sản phẩm chỉ được dùng để bổ sung cho sữa mẹ đối với trẻ trên 6 tháng tuổi.

Tuy nhiên, sau một năm triển khai, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn phổ biến và ngày càng tinh vi hơn. Báo cáo kết quả một nghiên cứu độc lập được thực hiện tại Hà Nội mới đây cho thấy, qua khảo sát với 814 phụ nữ, có đến 80 (9,8%) người cho biết, họ vẫn nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí từ các công ty khi họ mang bầu hoặc sinh con.

Rất nhiều phụ nữ còn cho biết, họ được đại diện công ty giới thiệu về sản phẩm thay thế sữa mẹ. Qua khảo sát trực tiếp tại 114 điểm bán lẻ cũng phát hiện có đến 51 điểm (44,7%) có hoạt động khuyến mại sản phẩm thay thế sữa mẹ, kể cả ở các siêu thị, đại lý. Vẫn có tới gần 4% số phụ nữ mang thai hoặc sinh con cho biết, họ được nhân viên y tế của các cơ sở y tế trao đổi về việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Đặc biệt, nghiên cứu còn cho thấy, có tới 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm thay thế sữa mẹ cụ thể; Nhân viên y tế ở 13 trong số 38 cơ sở y tế (chiếm 34,2%) được khảo sát nói rằng đại diện các công ty sữa đã đến cơ sở y tế của mình với ý định nói chuyện với các chị em, thu thập thông tin liên lạc của các phụ nữ này hay cung cấp các tài liệu quảng cáo cho họ..

Nhấn mạnh những hành vi trên là sai phạm rất nghiêm trọng, Thạc sỹ Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nói: “Tôi biết có những công ty sữa nắm được toàn bộ thông tin, số điện thoại của sản phụ đến sinh con tại một cơ sở y tế để tìm cách tiếp cận. Ngay bản thân tôi khi đến khám thai chuẩn bị sinh con, ngồi ở bệnh viện, có nhân viên của hãng sữa đến tiếp thị, xin số điện thoại và khi tôi vừa sinh con xong thì có hãng sữa gọi điện tư vấn dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ này khác. Rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi cũng chia sẻ như vậy, cho thấy các hãng sữa bất chấp quy định pháp luật, vẫn tìm cách tiếp thị đến từng bà mẹ, tại các cơ sở y tế, thậm chí tại các cuộc hội thảo về dinh dưỡng…”.

Thiệt hại kép trẻ dưới 6 tháng tuổi không dùng sữa mẹ

Theo PGS. TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, kinh doanh sản phẩm sữa, đặc biệt là các sản phẩm sữa dành cho trẻ nhỏ được điều chỉnh bởi rất nhiều luật như: Luật Giá, Luật Quảng cáo, Luật Chất lượng hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn sản phẩm, Luật An toàn thực phẩm, kèm theo các quy định về kinh doanh sản phẩm thay thế sữa mẹ, nhất là quy định về quảng cáo tiếp thị. “Tình hình thực hiện các quy định về nuôi con bằng sữa mẹ đối với các doanh nghiệp khá tốt, nhưng còn phụ thuộc vào cả các bệnh viện. Khi trẻ mới sinh, mẹ chưa có sữa cho con bú, các bệnh viện chưa xây dựng được ngân hàng sữa mẹ, buộc phải lấy sữa thay thế để trẻ bú tạm thời. Đây là mâu thuẫn giữa nuôi con bằng sữa mẹ với công cuộc phòng, chống suy dinh dưỡng ở Việt Nam”.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở nước ta chỉ đạt 19,6% và gần như không cải thiện trong nhiều năm gần đây. “Kết quả nghiên cứu độc lập trên giúp cơ quan chức năng xác định được biểu hiện vi phạm Nghị định 100. Đây là các bằng chứng khoa học cũng là kiến nghị để cơ quan Nhà nước nghiêm túc đưa ra các giải pháp để điều chỉnh”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Đông Nam Á cho biết: “Khi không bảo vệ nuôi con bằng sữa mẹ, chúng ta sẽ phải trả bằng giá đắt. Một nghiên cứu mới đây được các chuyên gia kinh tế quốc tế trong lĩnh vực y tế phối hợp với UNICEF và Alive & Thrive thực hiện, cho kết quả đối với Việt Nam, thiệt hại mỗi năm từ tổn thương trí tuệ do không được bú mẹ đầy đủ ước khoảng 70 triệu USD, còn tổn thất cho chi phí y tế rơi vào khoảng 23 triệu USD. Ngược lại, lợi nhuận từ việc đầu tư vào các chương trình nuôi con bằng sữa mẹ là 139%... “.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.